Cuốn đầu vào cuối tháng 10/2013 có tựa đề đơn giản: “Alex Ferguson”. Nội dung trong đó có liên quan tới ngựa, FA, trọng tài, Man City, gia đình Glazer, Ruud van Nistelrooy, Jose Mourinho, David Beckham hoặc Wayne Rooney. Lần này trong cuốn “Leading”, Fergie gây bão bằng những đề cập mới liên quan tới Sergio Aguero, Mino Raiola – đại diện của Paul Pogba, Pep Guardiola, đồng thời “dìm hàng” Wayne Rooney, Roy Keane và David Beckham trong lúc ca ngợi Eric Cantona, Cristiano Ronaldo, Ryan Giggs cùng Paul Scholes…
Từ những khác biệt như vậy, NHM có quyền tự hỏi có lẽ cuốn trước quá dở nên trong cuốn này, Fergie mới lôi nhiều cầu thủ nổi tiếng vào để bán sách chăng? Bởi lẽ, không đâu các danh thủ và HLV đua nhau viết tự truyện nhiều như ở Anh. Nhưng những cuốn không có scandal đều không gây được chú ý. Mới đây, HLV Real Madrid Rafael Benitez cũng vừa chỉ trích Steven Gerrard cố tình bịa chuyện xung đột với ông thời hai người còn ở Liverpool chỉ nhằm bán sách. Vậy thực hư thế nào?
Có sự thật là tự truyện không dễ bán, nhất là khi chúng thuộc về nhóm “quần đùi, áo số”. Sở dĩ tự truyện của các chính khách hoặc doanh nhân thành đạt hấp dẫn công chúng hơn là do trải nghiệm của mỗi người mỗi khác, cũng như có những bài học hoặc nhân chứng lịch sử để giải tỏa nhiều vấn đề chung được quan tâm. Trong khi ấy, tự truyện của hầu hết giới bóng đá thường có cùng một mô-tuýp nhàm chán: Bắt đầu yêu bóng đá như thế nào, khởi nghiệp ra sao, vượt qua thách thức bằng cách gì…
Do đó, tự truyện của giới bóng đá chỉ bán được khi chủ nhân của chúng phát hành đúng thời điểm, như Fernando Torres từng làm hồi mới đến Liverpool, Wayne Rooney trong giai đoạn được Man Utd yêu mến, hoặc David Beckham và Michael Owen ra sách trong thời điểm phong trào viết “tự truyện” đang lên cao điểm. Lúc đó, không cần tới những tiết lộ gây sốc kiểu như Roy Keane thú nhận cố tình đạp gãy giò đối phương, người đọc vẫn hân hoan chào đón những tâm sự của các thần tượng.
Nhưng theo thời gian, khi hàng loạt ngôi sao đã hoặc đang còn thi đấu cho ra tự truyện xếp đầy các kệ sách, NHM bắt đầu nhàm chán và không buồn quan tâm, trừ phi nội dung có những chuyện “thâm cung bí sử”. Đấy là lý do mà khi chấp bút cho Zlatan Ibrahimovic, tác giả thậm chí không ngại bịa ra những phát biểu gây sốc nhằm vào các ngôi sao bóng đá khác kiểu như “David Beckham là thằng nào?”. Với uy tín và đức cao vọng trọng, Fergie đương nhiên chẳng thể lố bịch như vậy. Nhưng muốn tự truyện mới được NHM chào đón, ông vẫn buộc phải mượn hơi của các HLV và cầu thủ nổi tiếng.
Sở dĩ Fergie phải làm như thế có lẽ là do cảm giác cô đơn khi giải nghệ. Đó là cảm giác đáng sợ mà bất cứ người nào từng nắm quyền to hoặc vang bóng một thời đều phải đối mặt khi về vườn. Đơn giản là do sau thời gian dài thường được xem như “cái rốn” của bóng đá, Fergie rất khó chấp nhận cảnh “người đi, trà lạnh” khi tên tuổi ông ngày càng chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho những nhân tố mới như Mourinho hoặc Guardiola. Do đó, Fergie phải tìm cách ra sách mới với những câu chuyện rất có thể là hư cấu, nhằm buộc truyền thông và NHM lần nữa nhắc tới mình.
Thiên Tứ