Cử tạ Việt Nam đã trải qua một năm thành công mỹ mãn với 2 HCV, 1 HCB cúp thế giới, 3 HCV châu Á của Vương Thị Huyền; 3 HCV cúp thế giới của Lại Gia Thành. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games, cử tạ mang về đến 4 HCV.
Ở cấp độ trẻ, Đỗ Tú Tùng giành 3 HCV trẻ thế giới, 4 HCV trẻ và thanh thiếu niên châu Á còn Nguyễn Thị Thu Trang giành 3 HCV trẻ thế giới. Tất cả đó là bàn đạp để bộ môn này hướng đến sân chơi lớn hơn trong năm 2020 là Olympic Tokyo. Theo đó, cử tạ phấn đấu có ít nhất 1 VĐV giành vé đến Nhật Bản năm sau.
Và sự kỳ vọng đặt lên vai của đô cử Vương Thị Huyền. VĐV quê Bắc Giang có năm 2019 thành công ở mọi đấu trường cô tham dự. Tuy nhiên, cái đích mà Huyền hướng đến chính là Olympic Tokyo 2020. “Ở kỳ Olympic trước, tôi đã bỏ lỡ tấm vé đến sân chơi này nên năm nay tôi rất quyết tâm để hoàn thành mục tiêu”, Huyền giãi bày.
Ngay sau khi giành HCV ở SEA Games 30, Huyền tranh thủ thời gian tập ở Philippines để tiếp tục duy trì nền tảng thể lực. Trở về Việt Nam, cô gái quê Bắc Giang tức tốc vào Đà Nẵng để tham dự giải cử tạ vô địch quốc gia. Thế là, Huyền lại lăn lộn thêm 10 ngày nữa cho mục tiêu ở đấu trường quốc nội.
Với Huyền, tham dự giải vô địch quốc gia chỉ là một buổi tập nhưng với cô, đây là dịp để cô rèn giũa, truyền kinh nghiệm cho những “đàn em”. Ngay sau thi đấu là tập luyện, cô gái sinh năm 1992 không có thời gian để nghỉ ngơi. Cô tranh thủ tập mọi nơi để duy trì phong độ.
“Tôi sẽ tập lại vào ngày mai sau khi thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Khi trở lại với hạng cân 49kg, tôi sẽ không phải hạn chế ăn uống để giữ cân nữa. Vấn đề của tôi là tập luyện, duy trì và phát triển thành tích của mình”, Huyền bày tỏ.
Cứ thế, Huyền cuốn theo guồng quay của tập luyện – thi đấu. “Tới đây khi trở về Hà Nội, tôi sẽ tranh thủ về thăm nhà”, Huyền nói. Với Huyền, quỹ thời gian không còn nhiều khi các vòng loại để giành tấm vé tham dự Olympic 2020 sắp sửa khởi tranh.
Trọng tâm mà Huyền nhắm đến là Cúp thế giới ở Roma (Italia) sẽ bắt đầu từ ngày 27/1/2020. Vào ngày 24/1/2020, cô gái nhỏ nhắn này sẽ rời Việt Nam để chinh phục giải đấu. Và hôm đó, đúng ngày 30 Tết Nguyên đán. “Đây là cái tết đầu tiên tôi xa nhà”, Huyền thổ lộ.
“Nhưng không sao, đã là VĐV quốc gia thì phải cố gắng hy sinh vì nhiệm vụ quốc gia. Mình không ăn Tết năm nay thì ăn Tết năm sau”, Huyền cố gằn giọng để chia sẻ. Cô luôn tự an ủi mình là không sao nhưng với Huyền, trở về nhà lúc này là muôn vàn ký ức đau buồn.
Đây cũng là cái Tết đầu tiên, trong căn nhà nhỏ không còn hình bóng cha. Cứ nghĩ, cứ nhắc đến hình ảnh đó, Huyền đỏ mắt và chỉ chực chờ nước mắt tuôn rơi. 30 Tết, khi nồi bánh chưng xanh dâng lên bàn thờ tổ tiên, đó cũng là thời khắc, Huyền “trốn” đi ký ức không vui để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.
Ở đó, Huyền “không sao” nhưng với ánh mắt đầy tâm sự, Tết Nguyên đán năm nay với Huyền thật khó mà vui trong căn nhà nhỏ ở Bắc Giang.