Tiger Woods vừa từ chối đề nghị trị giá 800 triệu đô la, nghĩa là gần 19 ngàn tỷ đồng, để bỏ tổ chức golf PGA Tour sang đánh ở LIV Golf đang được một quỹ đầu tư ở Saudi Arabia chống lưng. Thông tin này không phải "cá tháng Tư", vì vừa được chính Greg Norman - CEO của LIV Golf xác nhận. Trong thời gian qua, LIV Golf không ngừng lôi kéo tài năng của PGA Tour bằng những món tiền lót tay hậu hĩnh. Sergio Garcia, Dustin Johnson, Phil Mickelson, Ian Poulter và Lee Westwood là những vận động viên đã không chống nổi cám dỗ.
Các giải của LIV Golf thường quy tụ 48 tay golf tranh tài ở 54 lỗ với tiền thưởng cho nhà vô địch lên tới 25 triệu đô la, gần 590 tỷ đồng. Nhưng tới nay, Top 20 thế giới của PGA Tour mới chỉ có Dustin Johnson chạy sang LIV Golf.
Dĩ nhiên, PGA Tour cũng không hiền tới mức để LIV Golf muốn làm gì thì làm. Henrik Stenson bị tước băng đội trưởng của Châu Âu tại Ryder Cup vì đồng ý tham gia giải của LIV Golf. Những tay golf đã chấp nhận lời đề nghị từ Liv Golf cũng bị các đồng nghiệp, chuyên gia và người hâm mộ chỉ trích nặng nề.
Trở lại với tay golf 46 tuổi Tiger Woods: Anh chỉ vô địch 1 giải lớn năm 2008, nhưng vẫn được xem như biểu tượng lớn nhất của golf hiện nay, nên Saudi PIF khao khát có chữ ký của anh để khẳng định giá trị các giải đấu của tổ chức này trước công chúng.
Greg Norman xác nhận: "Con số 800 triệu đô la đó được đưa ra ngay cả trước lúc tôi trở thành CEO". Nhân dịp này, Greg Norman cũng tỏ ra bối rối khi biết LIV Golf đang bị làng golf ghét như thế nào: "Tôi không biết. Nhưng tôi yêu môn này lắm và chỉ muốn phát triển golf. Tại LIV, chúng tôi thấy có cơ hội, không chỉ cho nam, mà cả nữ".
Ngoài golf, các khoản đầu tư vào thể thao của PIF đã gây nhiều tranh cãi. Mùa thu năm trước, PIF từng mua lại 80% cổ phần của Newcastle từ tay chủ cũ Mike Ashley. Đây là vụ giao dịch được xem như một phần trong kế hoạch "thể thao hóa" hình ảnh quốc tế của quốc gia vùng vịnh Saudi Arabia.
"Sportswashing" là một thuật ngữ bằng tiếng Anh đang được sử dụng rộng rãi, qua đó mô tả một quốc gia kém danh tiếng trên thế giới đang cố gắng gột rửa danh tiếng của mình bằng cách tự liên kết với các tổ chức thể thao nổi tiếng và các nền tảng văn hóa. Vì mục đích này mà từ năm 2021, Saudi Arabia đã tổ chức đua F1, còn UAE và Qatar nắm quyền sở hữu các đội bóng Man City và PSG.