Boxing hiện tại đã phát triển ra rất nhiều lối đánh. Đôi khi là nhanh nhẹn thoăn thoắt như Lomachenko, hay mạnh mẽ và lì lợm như Golovkin, thậm chí là cả mạnh mẽ và chớp nhoáng như Mike Tyson. Tuy nhiên, có một điều mọi người cần lưu ý, những tay đấm kể trên đều thành công nhờ phát huy tối đa những thế mạnh của bản thân thay vì cố gắng theo đuổi những lối đánh không phù hợp. Họ hiểu thể chất của họ, HLV của họ cũng phát triển được những bài tập phù hợp để khai thác triệt để sở trường của học trò, đồng thời lấp đi những khiếm khuyết.
Cơ bắp và thể chất
Trong hệ vận động, cơ bắp lại được chia thành hai dạng quan trọng là cơ nhanh (fast twitch) và cơ chậm (slow twitch). Chức năng của hai loại cơ này cũng rất khác nhau. Trong khi loại cơ nhanh được cấu tạo để co duỗi nhanh hơn nhằm phục vụ cho các hoạt động cường độ cao thì ở cơ chậm, loại cơ này lại chứa nhiều oxi hơn, đảm bảo cho các hoạt động bền bỉ lâu dài.
Đối với những cơ thể khác nhau, việc phân bổ cơ nhanh và cơ chậm cũng hoàn toàn khác nhau. Có người thiên phú khỏe mạnh với lượng cơ đỏ chiếm đa số, có người lại thiên phú về thể lực bền bỉ bởi lượng cơ trắng chiếm đa số. Ngoài ra vị trí các đầu cơ bám với xương cũng là những yếu tố mang tính "trời ban" không thể tập luyện hay thay đổi.
3 Yếu tố cơ bản định hình lối đánh võ sĩ
Trong hàng loạt các yếu tố tạo nên người võ sĩ như tư duy, thể lực, sức mạnh, tốc độ, quyết đoán, lì lợm,.... 3 yếu tố cơ bản nhất để định hình lối đánh chính là sức mạnh, tốc độ và sức bền. Và như quy luật bù trừ công bằng của tạo hóa, chẳng võ sĩ nào trên thế giới có thể phát triển cùng lúc cả 3 yếu tố trên, những thiên tài võ thuật cũng chỉ có thể phát triển được 2 yếu tố song song mà thôi. Mỗi yếu tố định hình đó lại chỉ phù hợp với những phong cách nhất định. Do đó, cần phải xác định thật rõ thể chất của người võ sĩ trước khi hướng họ vào một lối đánh cụ thể.
Để phát huy được tối đa những tiềm năng của người tập võ, tốt nhất, ngay từ đầu, HLV chỉ nên tập trung vào 2 yếu tố sở trường của võ sĩ và cố gắng phát triển đẩy cao chúng lên hết mức. Yếu tố khuyết còn lại cần phải được bổ sung không chỉ bằng những bài tập bổ trợ, mà nó còn cần những chiến thuật thi đấu phù hợp để che cho khiếm khuyết.
Đối với dạng võ sĩ có sức mạnh và thể lực, khuyết tốc độ (dạng A)
Dạng võ sĩ này phù hợp với lối đánh dồn ép, bào thể lực đối thủ dần dà đến cuối trận. Bẩm sinh những võ sĩ này đã được trời phú cho khả năng thi đấu không biết mệt mỏi, lại có sức mạnh đáng nể để đe dọa bất kỳ đối thủ nào, những võ sĩ này lại thường được "ưu đãi" thêm về sức chịu đựng tốt. Do đó, chỉ cần giữ cho đối thủ luôn ở trong trạng thái phải chống chịu hoặc trạng thái một đổi một, những võ sĩ dạng A sẽ luôn là người chiếm thượng phong.
Trên thế giới, Boxing có hai tay đấm đứng đầu thuộc dạng A chính là Canelo Alvarez và Gennady Golovkin. Nếu như Golovkin là minh chứng quá rõ ràng về sức mạnh lẫn sự bền bỉ thì ở Canelo Alvarez, người xem vẫn có chút gì đó mơ hồ hơn một chút, vì đại đa số vẫn cho rằng Canelo là dạng võ sĩ toàn diện có cả sức mạnh, tốc độ lẫn thể lực. Thực tế thì không, thể chất của 2 võ sĩ này dù cùng thuộc dạng A, đều có những khác biệt nhất định.
Canelo Alvarez: Canelo Alvarez có phần hông rất dẻo và footwork tốt. Do đó, anh chọn lối đánh áp lực kiểu giựt phản. Thứ tốc độ mà mọi người thấy ở Canelo chính là tốc độ giựt phản ở vùng hông-thắt lưng, khu vực trung tâm (vùng core) của Canelo.
Canelo chọn lối đánh áp lực kèm giựt phản
Gennady Golovkin: Golovkin lại có phần hông-thân (cơ core) rất khỏe và thăng bằng, trụ tấn rất nặng, rất vững chãi và chắc chắn. Nhưng vì chắc chắn và cứng cáp nên tốc độ lách, xoay của vùng thân Golovkin lại không tốt bằng Canelo. Do đó, Golovkin phải áp dụng chiến thuật "chịu đấm ăn xôi" bo đòn, phản công là chính. Áp lực từ khối cơ bắp vững như bàn tọa của Golovkin như một cỗ xe chỉ biết tiến không biết lùi.
Golovkin sử dụng lối đánh áp lực như một cỗ xe chỉ biết tiến không biết lùi vì bởi thể chất anh vốn dĩ vững như một tảng đá không thể bị di dời
Đối với dạng võ sĩ có tốc độ và thể lực, khuyết sức mạnh (dạng B)
Dạng võ sĩ này cũng tận dụng ưu thế thể lực như võ sĩ dạng A, nhưng thay vì dùng sức mạnh để khống chế đối thủ, dạng võ sĩ này lại dùng tốc độ, footwork để đưa đối thủ vào thế khó khăn. Những võ sĩ dạng B nổi tiếng có thể kể đến Vasyl Lomachenko và Manny Pacquiao.
Lomachenko: Võ sĩ người Ukraine có thể hình khá cao và mỏng cơm trong hạng cân Lightweight, do khối lượng cơ trải đều cơ thể "dài lưng" của anh, Lomachenko lại không có sức mạnh như đối thủ. Do đó, anh buộc phải dùng chiến thuật "mưa dần thấm lâu", ra đòn cho đến khi đối thủ nhận đủ tác động sẽ phải ngã xuống, thay vì từng đòn từng đòn rát như võ sĩ dạng A. Chiến thuật của Lomachenko là tìm kiếm chỗ hở hoặc nhả jab tung hỏa mù cho đến khi đối thủ lộ sơ hở. Tấn công vào những điểm hở giúp Lomachenko không cần vung quá nhiều sức lực vẫn có thể tìm được KO.
Lomachenko dùng jab nhấp để tung hỏa mù
Manny Pacquiao: Huyền thoại người Philippines lại là một chiến binh hạng Welterweight mang chiều cao của một võ sĩ Featherweight. Vì thế, khi lên đến hạng cân Welterweight, mật độ cơ bắp của Manny Pacquiao dày hơn đối thủ rất nhiều, do đó, yếu tố sức mạnh của Pacquiao cũng khá đáng nể so với những võ sĩ dạng B. Đối với Pacquiao, anh tung các combo nặng và dồn ép đối thủ thay vì làm hoa mắt đối thủ bằng jab như Lomachenko. Đối thủ của Pacquiao bị những đòn đánh tương đối nặng của Pacquiao đe dọa khiến họ phải che chắn vùng bị tấn công và để lộ những vị trí khác.
Sức mạnh của Pacquiao có thể không vượt trội như những tay đấm khác ở Welterweight, tuy nhiên đối với những võ sĩ mang lối đánh tốc độ bền bỉ, sức mạnh của Pacquiao là một thứ vũ khí sắc bén.
Thể hình nhỏ nên Pacquiao sở hữu mật độ cơ dày hơn đối thủ, dẫn đến đòn của Pacquiao cũng nặng hơn so với những võ sĩ dạng B
Đối với dạng võ sĩ có tốc độ và sức mạnh, khuyết thể lực (dạng C)
Những trận đấu kéo dài vốn là tử thù của những võ sĩ dạng C. Để đối phó với thời gian, các võ sĩ dạng C thường phải chơi lối đánh phủ đầu dồn ép đối thủ. Vì bản thân vừa được trời phú cho sức mạnh lẫn tốc độ, họ trở thành những hung thần ngay từ đầu trận đấu. Dù vậy, theo thời gian và sự phát triển của Boxing, những võ sĩ dạng C dường như đang mất chỗ đứng vì đối thủ của họ hiện tại đã quá khôn ngoan và ma lanh trong việc tìm cách kéo dài trận đấu.
Mike Tyson: Hơn ai hết, Mike Tyson và lối đánh Peek A Boo chính là ví dụ điển hình nhất cho lối đánh dạng C. Những trận đấu của Mike Tyson luôn kết thúc trong vòng dưới 6 hiệp đấu. Nếu trận đấu kéo dài hơn, khán giả sẽ thấy Mike Tyson vật lộn với thể lực và thường chiến thắng điểm nhờ vào những pha knockdown ở đầu trận. Chỉ trừ những trường hợp đối thủ đã bị cạn thể lực sau 6 hiệp đầu chống chọi, Mike Tyson mới có cơ hội để nhảy múa đôi chút vào các hiệp cuối, còn lại đều là những pha chủ động ôm clinch kéo dài thời gian và chực chờ sơ hở counter. Và đó là khi Mike Tyson chỉ mới 20 tuổi, độ tuổi sung mãn nhất về thể chất.
Phủ đầu là chiến thuật cần thiết đối với huyền thoại Mike Tyson