Một võ sĩ MMA sẽ phải làm thế nào để vươn tới ngôi vô địch?

Thành Dương
thứ hai 30-9-2019 8:00:00 +07:00 0 bình luận
Đai vô địch, cúp vô địch của một giải đấu vốn luôn là mục tiêu hàng đầu của mọi võ sĩ MMA. Vậy làm thế nào để một võ sĩ MMA sở hữu ngôi vô địch trong một giải đấu?

Thời điểm được gia nhập một giải đấu MMA, chắc chắn võ sĩ nào cũng kỳ vọng mình sẽ sở hữu chiếc đai, chiếc cúp vô địch của giải đấu đó. Nhưng con đường trở thành một nhà vô địch có đơn giản là chỉ cần lên sàn và chiến thắng? Không, ở nhiều giải đấu, quá trình cạnh tranh để cướp lấy ngôi vô địch vất vả và phức tạp hơn rất nhiều. Vậy làm thế nào để một võ sĩ MMA sở hữu ngôi vô địch trong một giải đấu?

1. Đấu loại trực tiếp thông qua các trận đấu Tournament

"Grand Prix" hay "Tournament" là những cụm từ bạn sẽ bắt gặp khi một giải đấu muốn quyết định nhà vô địch thông qua hình thức đấu loại trực tiếp. Tùy theo số lượng võ sĩ có thể tham dự, giải đấu sẽ chọn lọc từ 4, 8 hay 16 võ sĩ, sắp xếp thứ tự và danh sách để các võ sĩ thực hiện các trận đấu loại trực tiếp. Sau khi vượt qua các vòng loại, tứ kết, bán kết, chung kết, người chiến thắng cuối cùng sẽ trở thành nhà vô địch của Grand Prix hay Tournament hạng cân đó.

Cạnh tranh ngôi vô địch thông qua hình thức đấu loại trực tiếp rất thường thấy tại các giải MMA nhỏ, ví dụ như giải Warriors FC tại Malaysia mà võ sĩ Trần Quang Lộc từng tham dự. ONE Championship và Bellator là hai giải MMA lớn áp dụng hình thức quyết định nhà vô địch bằng cách đấu loại trực tiếp ở một vài hạng cân. UFC cũng từng tổ chức đấu loại trực tiếp để quyết định ngôi vô địch, nhưng họ chỉ tổ chức một lần duy nhất, đó là UFC 2 vào năm 1994.

Một võ sĩ MMA sẽ phải làm thế nào để vươn tới ngôi vô địch?

Ví dụ về các vòng đấu loại trực tiếp để quyết định ngôi vô địch hạng Flyweight tại ONE Championship

Vì đặc tính đấu loại trực tiếp để chọn ra võ sĩ bước vào vòng loại tiếp theo, kết quả của các trận đấu Tournament sẽ rất ít khi là kết quả hòa. Ngoài ra, một số giải, ví dụ như Bellator, sẽ cấm võ sĩ sử dụng đòn chỏ ở các vòng loại, tứ kết và bán kết (vẫn cho phép sử dụng chỏ ở trận chung kết) do các đòn chỏ nhiều khả năng sẽ dẫn tới các vết cắt sâu có thể ảnh hưởng đến phong độ võ sĩ ở vòng trong.

Khi một võ sĩ gặp chấn thương không thể tiếp tục tham gia Tournament, giải đấu sẽ chọn ra một cái tên khác thay thế, thường là võ sĩ thể hiện xuất sắc nhất trong số những cái tên đã bị loại.

2. Cạnh tranh thông qua bảng xếp hạng

Việc cạnh tranh ngôi vô địch thông qua đấu loại trực tiếp có lợi thế là các võ sĩ và khán giả sẽ rất rõ ràng một võ sĩ nào đó đang ở vị trí ra sao, còn bao nhiêu trận đấu nữa để tiến vào trận đấu tranh đai vô địch. Tuy nhiên nhược điểm của hình thức đấu loại trực tiếp là các võ sĩ vào vòng trong sẽ phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc, trong khi các võ sĩ đã bị loại lại ở trạng thái "chờ mốc mỏ".

Do đó hầu hết các giải MMA lớn đều sử dụng một hình thức cạnh tranh khác, đó là cạnh tranh thông qua bảng xếp hạng của từng hạng cân.

Có nhiều tiêu chí để ước lượng, đánh giá vị trí của một võ sĩ trên bảng xếp hạng, nhưng trực quan nhất là thông qua những đối thủ mà võ sĩ đó đã đối mặt và cách mà võ sĩ đó chiến thắng hay thua cuộc ra sao. Ở nhiều giải đấu, một trận thắng bằng Knockout hay khóa siết Submission sẽ được đánh giá cao hơn nhiều so với một trận thắng bằng tính điểm. Thông qua các trận đấu, võ sĩ sẽ nâng dần vị trí của mình trên bảng xếp hạng, bước vào top 15, top 10, top 5 của hạng cân trước khi bước tới vị trí tranh đai.

Tuy nhiên, không phải giải đấu nào cũng sẽ công bố Bảng xếp hạng thực sự các võ sĩ trong hạng cân của họ. UFC có một Bảng xếp hạng trên trang chủ, nhưng Bảng xếp hạng này là một Bảng xếp hạng mang tính ước đoán được tổng hợp từ ý kiến của các nhà báo. ONE Championship hay Bellator thẳng thắn không công bố Bảng xếp hạng các võ sĩ của họ.

Các trận đấu của các võ sĩ sẽ được quyết định bởi bộ phận ghép cặp của các giải đấu, những người ngoài việc quyết định kèo đấu giữa hai võ sĩ vừa sức, còn phải để tâm đến phong cách thi đấu của hai võ sĩ có làm nên một trận đấu gay cấn hay không; danh tiếng, mâu thuẫn bên ngoài sàn đấu của hai võ sĩ có biến trận đấu này thành một trận đấu thu hút khán giả hay không.

Một võ sĩ MMA sẽ phải làm thế nào để vươn tới ngôi vô địch?

Thông qua các trận đấu, võ sĩ sẽ nâng dần vị trí của mình trên bảng xếp hạng, bước vào top 15, top 10, top 5 của hạng cân trước khi bước tới vị trí tranh đai

Vì phải cáp kèo đấu tranh đai sao cho khán giả đổ xô đến mua vé, không phải lúc nào hành trình cạnh tranh để bước tới ngôi vô địch của một võ sĩ cũng thực sự diễn ra một cách công bằng.

Ví dụ ở hạng Lightweight UFC hiện tại, Tony Ferguson là một võ sĩ đang có chuỗi 12 trận thắng nhưng mãi mới có được cái hẹn tranh đai với nhà Đương kim vô địch Khabib Nurmagomedov. Cách đây vài năm, vào năm 2016, quyết định để lão tướng Dan Henderson, đang xếp hạng 13, nhảy 12 bậc của BXH để trở thành đối thủ của nhà vô địch hạng Middleweight Michael Bisping cũng khiến nhiều người bức xúc.

Ngoài ra, việc quyết định võ sĩ nào được quyền tranh đai sẽ còn phụ thuộc vào chọn lựa của nhà Đương kim vô địch.

Với tư cách là người đứng đầu hạng cân, nhà vô địch sẽ có một chút quyền ưu tiên trong việc chọn lựa đối thủ để bảo vệ ngôi vô địch, và cũng có quyền từ chối không ký hợp đồng thực hiện trận đấu với đối thủ họ không muốn đối mặt. Nhưng quyền ưu tiên này không hẳn lúc nào cũng có tác dụng - nó chỉ giống như một điểm cộng, một ý kiến tham khảo với bộ phận ghép cặp của giải đấu. Nhà vô địch cũng không thể quá kén chọn: nếu quá lâu không thực hiện trận bảo vệ đai, giải đấu sẽ tính đến chuyện tước đai vô địch và trao nó cho các võ sĩ khác của hạng cân.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm