Khi nhắc tới Kyokushin Karate (Cực chân Không thủ đạo), người ta nghĩ ngay tới môn phái Karate khắc nghiệt với những chiến tích lừng danh của sư tổ - Đại sư Oyama Matsutatsu. Khổ luyện nơi thâm sơn, chặt gãy sừng, tử chiến với bò mộng, kinh qua 32 quốc gia với gần 300 trận đấu, trong đó có những trận thắng chỉ đến vài giây... tất cả đều là những câu chuyện người ta thường kể về võ sư Oyama và Kyokushin Karate.
Cuộc quyết đấu giữa Oyama Team vs. Muay Thái và trận thua của Kenji Kurosaki
Dù còn nhiều hoài nghi, nhưng có một chiến tích mà đa số đều công nhận là cuộc tỉ thí giữa Kyokushin Karate với Muay Thái. Đó là vào năm 1964, khi toàn cõi Karate truyền thống tại Nhật từ chối lời thách thức của các võ sĩ Thái Lan. Chỉ có võ sư Oyama cùng 3 môn đồ Kyokushin dám nhận lời đến đất nước chùa vàng tiếp chiến. Chiến thắng 2/3 trận đấu, Kyokushin Karate trở về với sự nể trọng đến từ cộng đồng võ thuật hai nước.
Tuy nhiên, liệu có ai thắc mắc trận thua duy nhất từ phía Kyokushin là của ai, con người đó ra sao sau khi trở về Nhật Bản? Đó lại là một câu chuyện khác, chuyện của một người có ảnh hưởng tới cả nền võ thuật Á – Âu thậm chí không kém gì sư phụ mình.
Theo các tài liệu thuật lại, võ sĩ Kyokushin duy nhất thua trận ngày hôm đó chính là Kenji Kurosaki. Trong khi 2 đồng đội Tadashi Nakamura và Noboru Osawa hạ knockout đối thủ bằng những cú đấm, Kurosaki sớm thất thủ trước đòn chỏ tàn bạo của võ sĩ Thái Rawee Dechatchai. Cần lưu ý rằng, luật thi đấu ngày hôm đó cho phép các võ sĩ Nhật Bản được sử dụng các đòn quật ngã từ Judo, là môn võ phổ biến tại Nhật mà đa số môn sinh Kyokushin, thậm chí cả sư tổ Oyama đều tinh thông. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương pháp cứu cánh cho Kenji Kurosaki mỗi khi bị đàn áp bởi những đòn đánh từ phía đối thủ.
VIDEO Trận thua của Kenji Kurosaki trước Muay Thái:
Với tư cách là một võ sĩ thay thế, Kenji Kurosaki thường hoạt động ở Kyokushin-kai với tư cách một võ sư/huấn luyện viên hơn là võ sĩ. Ông là người cùng võ sư Oyama Matsutatsu phát triển Kyokushin thời kì đầu tiên. Dù đồng đội đều thắng trận để chứng tỏ khả năng của môn phái, Kurosaki vẫn đặt câu hỏi về tính thực dụng trong các đòn đánh của Kyokushin.
Quay trở lại Nhật Bản, Kenji Kurosaki lập tức tìm kiếm phương pháp xây dựng giáo trình hoàn toàn mới. Năm 1968, ông tự mở một võ đường ở quận Mejiro, Tokyo để chuyên tâm cho dự án của mình lấy tên là Mejiro Gym. Vẫn lấy nền tảng là các đòn chân Kyokushin, Kurosaki nhận thấy Boxing là sự bổ khuyết hoàn hảo – yếu tố mà cả Kyokushin Karate và Muay Thái đều chưa hoàn thiện.
Theo đuổi tâm huyết của mình và có lứa đệ tử đầu tiên, Kenji Kurosaki trở lại đất Thái Lan cùng người học trò tên Shima. Liên tục thử thách và kiểm nghiệm trên sàn Muay Thái, Shima trở thành võ sĩ nước ngoài đầu tiên chiến thắng một nhà vô địch người Thái Lan. Và không chỉ Shima, hàng loạt võ sĩ là học trò của Kenji Kurosaki đều viết tiếp thành tích này, trong đó phải kể đến huyền thoại Kickboxing Toshio Fujiwara – người được mệnh danh là “Phù thủy làng Kickbox Nhật Bản”.
Sử dụng đôi tay uyển chuyển của Boxing với những cú đá có độ chính xác cao, Toshio Fujiwara thi đấu như một vũ công tại các võ đài trên đất Thái Lan và Nhật Bản. Người học trò xuất sắc nhất của Kenji Kurosaki đã vượt qua đàn anh, trở thành võ sĩ nước ngoài đầu tiên vô địch tại Rajadamnern Stadium – một trong những thánh địa Muay ở Thái. Cho đến khi giải nghệ, Toshio Fujiwara được ghi nhận đã thượng đài 141 lần với hơn 120 trận thắng, trở thành một trong những huyền thoại đầu tiên của làng Kickboxing Nhật Bản.
Video Highlights Toshio Fujiwara:
Cùng thế hệ với Toshio Fujiwara còn có hàng loạt võ sĩ Nhật Bản khác như Okao, anh em nhà Yamasato… đều có những chiến thắng ấn tượng trước các võ sĩ Muay lì lợm. Sự mới lạ của Kickboxing Nhật Bản mà họ mang lại đã khiến những đôi tay khô cứng của giới võ Thái lúng túng. Sau này, những trận đấu giao hữu Thái – Nhật liên tục được tổ chức, cùng với các kĩ thuật Judo để đối chọi lại clinch trong Muay, những võ sĩ Nhật Bản đã tạo dựng được vị thế riêng cho bộ môn Kickboxing của mình.
>>> Xem tiếp: Phần 2: "Bố già" Jan Plas và chuyến du học Nhật Bản