Dần trở thành món giải trí quen thuộc mỗi cuối tuần, các giải đấu MMA như ONE Championship, UFC, BELLATOR bắt đầu dành sự chú ý theo dõi của các khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được cách mà các sự kiện này diễn ra.
Những câu hỏi: bao giờ hai người này đánh, bao giờ đến trận đấu này, Main Card là gì, Main Event là gì, hai khái niệm này có khác nhau không, tại sao hôm nay lại đánh sớm thế, …? Đã khiến không ít khán giả nản lòng khi phải “theo dõi” một sự kiện MMA. Và hôm nay, chúng ta sẽ giải đáp những thắc mắc đó với các khán giả bắt đầu xem võ tổng hợp.
Khác với những môn thể thao phổ thông như bóng đá, bóng chuyền, … một sự kiện MMA sẽ gồm nhiều trận đấu giữa nhiều võ sĩ với nhau, chứ không đơn thuần là chỉ có hai đối thủ.
Chính vì thế, một sự kiện sẽ được xác định trước gồm: bao nhiêu trận đấu sẽ diễn ra, các võ sĩ nào đấu với nhau, ở hạng cân nào, thứ tự các trận đấu. Tất cả những thông tin này được tập hợp và gọi là Fight Card của sự kiện và trong đó một Fight Card lại được chia ra làm các nhóm trận đấu khác nhau.
Prelims / Prelimnary Card (tạm dịch là các trận đấu dự bị) là những cuộc đối đầu của các võ sĩ ít tên tuổi, có thứ hạng và trình độ thấp trong một hạng cân. Đây là những trận đấu “khởi động” cho một sự kiện, chuẩn bị cho những trận đấu chính trong Main Card.
Main Card : các trận đấu chính của sự kiện, là những trận đấu của các võ sĩ đã, đang có danh tiếng của giải, các võ sĩ có thứ hạng cao trong hạng cân, các trận tranh đai. Ngoài ra, một số yếu tố để võ sĩ có thể xuất hiện trong Main Card như võ sĩ chủ nhà, võ sĩ mà giải đấu đang muốn quảng bá.
Trong Main Card, sẽ có 2 trận đấu cuối cùng được gọi là Co-Main Event (trận thứ chính) và Main Event (trận chính).
Fight Card, Main Card, Prelims là chỉ nhóm và cách phân loại các trận đấu trong một sự kiện MMA.
Như vậy, để tránh nhầm lẫn cơ bản, cần hiểu rằng Main Card là “nhóm các trận đấu” và Main Event chỉ là một trận đấu duy nhất.
Co-Main Event là trận đấu áp chót, thông thường cũng là một trận đấu có các võ sĩ chất lượng và thậm chí là các trận tranh đai (với các sự kiện lớn) của sự kiện. Đây giống như một trận đấu “nhắc nhở” để khán giả chuẩn bị tinh thần cho cặp đấu được chờ đợi cuối cùng.
Main Event là trận đấu chính, được diễn ra sau cùng và là tâm điểm mà BTC giải muốn khán giả chú ý. Đây cặp đấu mà tên hai võ sĩ được xuất hiện bên cạnh tên sự kiện (vd, UFC 242: Khabib vs. Poirier, UFC 229: Conor vs Khabib, UFC Fight Night 158: Cowboy vs Gaethje).
Với các sự kiện lớn (các sự kiện có đánh số UFC 229, UFC 200, UFC 239, …), Main Event thường là các trận tranh đai ở các hạng cân. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ khi trận Main Event có sức hút hơn cả các trận tranh đai và khiến các trận tranh đai bị đẩy xuống Co-Main Event. Ví dụ như trường hợp của Conor McGregor vs. Nate Diaz tại UFC 196 đã đẩy trận tranh đai của Holly Holm và Miesha Tate xuống làm Co-Main Event.
Nói như vậy để thấy tầm quan trọng khi được xuất hiện trong Main Event của sự kiện dù lớn hay nhỏ với các võ sĩ. Điều đó cho thấy giải đấu đã công nhận tiềm năng của họ và muốn quảng bá trong tương lai.
Đôi khi sự nổi tiếng giúp một trận đấu có thể trở thành Main Event, đẩy cả trận tranh đai xuống làm Co-Main Event như UFC 196.
Trên đây là những giới thiệu sơ bộ về các khái niệm Fight Card, Main Card, Prelims, Main Event của các sự kiện MMA. Và ở bài viết sau, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để theo dõi được một sự kiện mà không bỏ lỡ bất kì khoảnh khắc thú vị nào của đêm đấu.