Tiền vệ trung tâm được ví von như trái tim của một đội bóng, nó càng chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong triết lý bóng đá Tiki-Taka trứ danh của Pep Guardiola. Ở 2 đội bóng mà ông từng đi qua, vị chiến lược gia 50 tuổi đều sở hữu những ông vua tuyến giữa, Xavi - Iniesta ở Barcelona và Philipp Lahm tại Bayern Munich.
Thế nhưng khi Pep nhận nhiệm vụ biến Man City trở thành gã khổng lồ châu Âu, ông lại lựa chọn một trái tim đang tổn thương nặng nề - Ilkay Gundogan. Vào mùa Hè 2016, chàng tiền vệ người Đức xách vali tới Etihad cùng những John Stones, Leroy Sane, Claudio Bravo và sau đó nửa năm là Gabriel Jesus.
Nhưng nếu như những cái tên ở trên được chào đón cùng với rất nhiều sự kỳ vọng, thì thứ mà Gundogan nhận được lại là sự thờ ơ và phản đối của người hâm mộ Man xanh. Ở thời điểm đó, người ta đặt quá nhiều câu hỏi cho Pep, khi ông quyết định đưa về một cầu thủ chống nạng tới Etihad ký hợp đồng, trong khi Yaya Toure luôn trong tình trạng bị đẩy đi bất cứ lúc nào.
Mức phí chuyển nhượng trên dưới 20 triệu bảng đối với Man City không phải là số tiền lớn, nhưng đối với một cầu thủ đứng trước nguy cơ giã từ sự nghiệp, con số đó bị coi là phi lý. Thế nhưng Pep vẫn kiên định với niềm tin của mình suốt 5 năm qua, bất chấp vô số chấn thương lớn nhỏ mà Gundogan đã nếm trải tại Etihad.
"Cậu ấy là người có lối chơi thông minh và phù hợp với triết lý của tôi," Pep Guardiola sử dụng lời giải thích của mình năm này qua năm khác, mỗi khi người ta thắc mắc vì sao Gundogan vẫn ở lại? Trong khi thế giới bóng đá rộng lớn chẳng thiếu những trái tim hừng hực! Vậy triết lý mà Pep nhắc tới là gì?
Trở lại hình ảnh rất hiếm gặp trong thế giới bóng đá, một cầu thủ đặt chân tới đội bóng mới, cùng 2 chiếc nạng! Truyền thông Anh, người hâm mộ Man City có lý do để đả kích Gundogan vì ca mổ đầu gối của anh xuất phát từ nỗ lực… chơi bóng rổ. Người ta gọi tiền vệ sinh năm 1990 là kẻ vô trách nhiệm, cho tới khi anh tiết lộ rằng: Chơi bóng rổ là yêu cầu bắt buộc tại Dortmund!
Câu chuyện nghe có phần phi lý này hoá ra lại rất phổ biến trong triết lý bóng đá tại Đức. Bayern Munich cũng yêu cầu các cầu thủ phải chơi bóng rổ ở mỗi buổi tập, vì thế hình ảnh Philipp Lahm cầm trái bóng cam giữa vòng vây đồng đội đã trở nên quá quen thuộc.
Người thầy cũ của Gundogan – Thomas Tuchel càng đặc biệt chú trọng tới các tác động tích cực của trái bóng cam đến tư duy của cầu thủ. Sau khi chia tay Dortmund và chuyển tới dẫn dắt PSG, yêu cầu đầu tiên của ông thầy người Đức là lắp 2 trụ bóng rổ ở sân tập.
Không có quá nhiều tài liệu phân tích tầm quan trọng của việc chơi bóng rổ đối với các cầu thủ bóng đá. Tuy nhiên một số ít chuyên gia cho rằng chơi bóng rổ sẽ đặc biệt tốt cho những tiền vệ trung tâm, bởi đây là vị trí không cần di chuyển nhanh nhưng phải liên tục, và đương nhiên cần một bộ não nhạy bén!
Ở vị trí của một tiền vệ box-to-box như Gundogan, chuyền bóng tốt hơn nhiều lừa bóng. Điều này sẽ tạo ra không gian và cơ hội cho đồng đội tạo nên cơ hội nguy hiểm, hơn là tìm cách rê dắt qua một cầu thủ. Vì vậy việc chơi bóng rổ sẽ cải thiện tầm quan sát rất lớn cho các cầu thủ bóng đá. Trên một sân đấu hẹp hơn rất nhiều, các cầu thủ bóng rổ sẽ phải quan sát liên tục đồng đội của mình đang đứng đâu, phán đoán bước chạy của họ để chuyền bóng.
Yếu tố thứ hai được nhắc tới là bước chân tốc ở độ thấp. Họ cần phải tính toán trước bước của mình và đối thủ, qua đó cải thiện khả năng giữ bóng ở khu vực giữa sân, khu vực luôn được coi là tử huyệt. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao những chuyên gia rê dắt như Messi và Neymar lại đặc biệt thích chơi bóng rổ.
Yếu tố cuối cùng là chọn vị trí và di chuyển không bóng. Các cầu thủ bóng rổ thường không được đứng yên, trong một khoảng sân rất hẹp với 10 VĐV ở đó, nếu không liên tục chạy và tạo khoảng trống, rất khó để họ có thể ghi điểm.
Dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng những gì mà Gundogan vừa thể hiện trong trận gặp Tottenham phần nào cho thấy điều ấy. Một pha ngoặt chân kiếm được penalty, sau đó là tình huống di chuyển không bóng nâng tỷ số lên 2-0, như một tình huống set bài chạy cắt vào trong ở bóng rổ.
Ở pha phất dài từ sân nhà của thủ thành Ederson, cũng lại là một pha di chuyển không bóng đầy tư duy của cầu thủ người Đức. Trước khi anh đọc bước đà của Davinson Sanchez và tạo ra một tình huống break-ankle tuyệt đẹp, để rồi kết liễu trận đấu với tỷ số 3-0.
Tư duy trong bóng đá và bóng rổ có rất nhiều điểm tương đồng, đó là lý do những cầu thủ trong thế giới túc cầu và NBA luôn dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Vì vậy để nâng cấp bộ não và óc phán đoán của các cầu thủ, bóng rổ đang dần trở thành “môn học bắt buộc” ở nhiều CLB bóng đá trên thế giới.
Trên thực tế, những chuyên gia thể thao hàng đầu nước Mỹ cũng khuyến cáo những môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng bầu dục nên kết hợp tập luyện bóng rổ. Tuy nhiên cũng cần phải đặc biệt chú ý tới đôi chân của các VĐV khi tập bóng rổ.
Bởi những đôi giày cổ thấp luôn rất dễ khiến các cầu thủ bóng đá bị lật cổ chân. Hơn nữa, khi chưa quen và quá tập trung nhồi trái bóng cam, họ sẽ quên mất nhiệm vụ bảo vệ đôi chân của mình. Và trường hợp của Ilkay Gundogan là một ví dụ điển hình!
“Tôi hiểu rằng những chấn thương đã cướp đi lối chơi tôi từng thể hiện tại Dortmund, tôi sẽ thi đấu theo một cách khác, nhưng không phải theo chiều hướng tiêu cực,” tiền vệ sinh năm 1990 chia sẻ hồi đầu mùa. Và rốt cuộc Ilkay Gundogan đã thực hiện đúng những gì anh nói!