Một thời úp rổ bị cấm vận
Cú úp rổ đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử diễn ra vào năm 1944. Khi ấy, cầu thủ cao 2m13 Bob Kurland đang thi đấu cho Đại học Bang Oklahoma đã dunk một cách ... vô tình. Quả bóng xuất hiện ở dưới rổ, Kurland cầm lấy và nhảy lên theo bản năng. Bản năng ấy khiến ông nhét quả bóng vào rổ trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.
Từ sự ngỡ ngàng ngây thơ ấy, những người yêu bóng rổ dần trở thành tín đồ của những pha úp rổ. Cả sân bóng vỡ tung khi một ai đó nhảy lên và dùng tay nhét trái bóng vào rổ. Phải là những cầu thủ cao lớn với kỹ thuật và sức bật siêu phàm mới thực hiện được động tác thượng thừa ấy. Trong bóng rổ, Dunk đại diện cho vị thế áp đảo.
Vậy nên đã có không ít ánh mặt khó chịu khi những người da màu bắt đầu úp rổ nhiều hơn và mạnh mẽ hơn. Đa phần những dunker ở NCAA là những cầu thủ người Mỹ gốc Phi, và trong thời kỳ định kiến về chủng tộc tại Mỹ còn mạnh mẽ, những người da trắng đã cấm hoàn toàn động tác úp rổ tại giải đấu cấp độ sinh viên trong gần một thập kỷ.
Nhưng sự cấm đoán ấy không ngăn được tinh thần vươn cao hơn vành rổ của các baller. Khởi nguồn với Bill Russell, Wilt Chamberlain rồi tới những Darryl Wilkins, Julius Erving, George Gervin, văn hóa úp rổ đã được truyền bá trong cộng đồng yêu trái bóng cam. NCAA buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm vô lý này vào năm 1976.
Cuộc thi úp rổ đầu tiên
Năm 1976 còn đánh đấu một bước ngoặt mới trong lịch sử úp rổ, khi lần đầu tiên Slam Dunk Contest được tổ chức tại ABA (giải đấu sau này sẽ sáp nhập vào NBA). Giữa trận đấu All-Star, 5 cầu thủ gồm George Gervin, Larry Kenon, David Thompson, Artis Gilmore và Julius Erving thực hiện những cú dunk trời giáng, khuấy động McNichols Sports Arena.
Các cầu thủ được thực hiện 5 cú dunk trong vòng 2 phút với những vị trí và đường chạy mà BTC chỉ định. Tưởng như chức Vô địch đã thuộc về David Thompson với một cú úp rổ 360 độ, nhưng Dr.J đã lên tiếng với một cú dunk từ vạch ném phạt, trở thành quán quân úp rổ đầu tiên.
Sức hút không thể chối từ
Sau khi NBA và ABA hợp nhất, Slam Dunk Contest trở lại với người hâm mộ bóng rổ vào năm 1984. Kể từ đó tới nay, cuộc thi này gần như trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc All-Star. Đôi khi cuộc thi úp rổ còn tạo ra nhiều sức hút hơn cả những trận đấu All-Star Game
Những ngôi sao sáng nhất như Michael Jordan, Kobe Bryant, Dominique Wilkins, Vince Carter, Blake Griffin lần lượt biến cuộc thi úp rổ trở thành sự kiện NBA đáng chú ý nhất trong năm. Nơi đây cũng trở thành bệ phóng cho những Zach Lavine, Aaron Gordon, Donovan Mitchell, ... bước lên vũ đài của những vì sao.
Nhưng trên hết, Slam Dunk Contest là nơi mà những cầu thủ vượt qua giới hạn tưởng chừng như bất khả thi. Không ai quên được những lần đăng quang khó tin của những chàng lùn Spud Webb (1m68) và Nate Robinson (1m75), cú dunk với 2 vành rổ cùng lúc của JaVale McGee, cú úp rổ ở độ cao 3m65 của Dwight Howard hay cú 360 windmill của Vince Carter...
Thể thao là nơi con người chạy nhanh hơn, vươn cao hơn và đi xa hơn, lật đổ mọi giới hạn. Slam Dunk Contest chính là sân khấu tuyệt vời để các cầu thủ bóng rổ thể hiện tinh thần Olympic ấy.
Tương lai ra sao?
Những năm gần đây, Slam Dunk Contest bị cạnh tranh dữ dội khi xu hướng ném 3 điểm nở rộ tại NBA. Giờ đây, 3 Point Contest mới là điểm đến của những ngôi sao lớn nhất. Steph Curry, Paul George, Trae Young, Devin Booker, Damian Lillard tạo nên sức nóng khủng khiếp trong cuộc thi ném xa này.
Vì nhiều lý do khác nhau, những ngôi sao hạng A đang ngoảnh mặt với Slam Dunk Contest. Phần lớn các cầu thủ tham dự cuộc thi này gần đây đều là những cầu thủ trẻ. Năm 2017, Derrick Jones Jr. giành ngôi Á quân khi anh thậm chí còn đang chơi ở G-League.
Quá nhiều cuộc đọ sức căng thẳng trong quá khứ khiến những cuộc thi úp rổ ngày nay không còn được đánh giá cao, không giữ được tính hấp dẫn. Những tranh cãi về các phần thi của Aaron Gordon trong những năm gần đây là những lần hiếm hoi Slam Dunk Contest ghi dấu trong lòng người hâm mộ. Phải chăng cuộc thi này đã đạt tới giới hạn của mình?
Nhưng cuộc thi này được sinh ra là để phá vỡ nhưng giới hạn. Slam Dunk Contest từng bị dẹp bỏ một lần sau cuộc thi quá đỗi buồn tẻ vào năm 1997, để rồi hồi sinh mạnh mẽ vào năm 2000 với những cú úp rổ mang tính biểu tượng của Vince Carter. Những thách thức, giới hạn dành cho Slam Dunk Contest sẽ ngày càng khó khăn hơn, và người chinh phục được nó sẽ trở thành một cái tên vĩ đại.
Ai sẽ là cái tên vĩ đại tiếp theo? Chúng ta chỉ còn biết cách chờ đợi.