Cuộc đời và sự nghiệp của Michael Jordan thực sự rất nhiều sóng gió. Là huyền thoại bóng rổ ngày nay, nhưng trước kia ông từng bị cắt khỏi đội tuyển bóng rổ trường chỉ vì... không đủ chiều cao. Khi sự nghiệp bắt đầu cất cánh, Jordan lại bị số phận trêu đùa khi bố của ông qua đời đột ngột.
Không đầu hàng, Michael Jordan đã mang thứ bóng rổ đỉnh cao của mình chinh phục mọi thử thách. Ông lên ngôi vô địch NBA 6 lần trong 8 năm với Chicago Bulls và trở thành cầu thủ được nhiều gọi là xuất sắc nhất mọi thời đại - "GOAT, Greatest Of All Time".
Nhân dịp loạt phim tài liệu 'The Last Dance' được công chiếu bởi ESPN về chức vô địch cuối cùng của Michael Jordan, hãy cùng nhìn lại dòng thời gian về trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của huyền thoại này:
Ngày 17/02/1963: Michael Jeffrey Jordan được sinh ra tại Brooklyn, New York. Bố và mẹ của ông là James Jordan và Deloris Jordan.
Năm 1979: Jordan gặp khó khăn đầu tiên khi bị cắt khỏi đội bóng rổ tại trường trung học Laney, bang North Carolina. Tuy nhiên, ông không bỏ cuộc.
Năm 1981: Sau 2 mùa giải chơi bóng ở cấp độ trung học, Michael Jordan được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu toàn quốc McDonald's All-American. Sau đó, ông chấp nhận học bổng của Đại học North Carolina (UNC).
Ngày 29/03/1982: Danh hiệu vô địch đầu tiên đến với sự nghiệp của Michael Jordan khi ông tung ra cú game-winner, đưa UNC lên ngôi vô địch NCAA trước trường Georgetown.
Ngày 19/06/1984: Xuất hiện tại NBA Draft 1984, Michael Jordan được chọn ở lượt thứ 3 bởi Chicago Bulls. Hai cầu thủ được pick trước ông là hai trung phong: Hakeem Olajuwon và Sam Bowie. Ở thời điểm này, NBA vẫn được thống trị bởi các bigman to cao. Nhưng mọi thứ sắp thay đổi với sự xuất hiện của Jordan.
Ngày 10/08/1984: Michael Jordan ghi 20 điểm trong trận chung kết nội dung bóng rổ ở Thế Vận Hội 1984 tổ chức tại Los Angeles, đoạt huy chương vàng Olympic đầu tiên cùng đội tuyển bóng rổ Mỹ.
Ngày 16/05/1985: Sau mùa giải tân binh không thể nào xuất sắc hơn, Michael Jordan trở thành Rookie of The Year - Tân binh xuất sắc nhất năm với trung bình 28.2 điểm cùng 6.5 rebounds và 5.9 assists mỗi trận.
Ngày 15/09/1985: Nike chính thức ra mắt Air Jordan 1, mẫu giày thửa riêng đầu tiên của Michael Jordan.
Ngày 29/10/1985: Chấn thương nghiêm trọng đầu tiên xảy ra với Michael Jordan. Ông bị gãy xương bàn chân trong trận đấu gặp Golden State Warriors và phải bỏ lỡ đến 61 trận đấu. Tuy nhiên, Jordan vẫn tái xuất cùng Chicago Bulls vào cuối mùa giải, sẵn sàng chiến đấu tại vòng Playoffs.
Ngày 20/04/1986: Chẳng để chấn thương ảnh hưởng đến phong độ, Michael Jordan lập kỷ lục khi ghi 63 điểm trong trận đấu Playoffs gặp Boston Celtics, số điểm cao nhất trong lịch sử NBA tính đến thời điểm đó. Tuy nhiên, màn trình diễn này lại đến trong một trận thua.
Ngày 16/04/1987: Gần một năm sau kỷ lục Playoffs, Michael Jordan ghi 61 điểm trong trận đấu gặp Atlanta Hawks để khép lại chuỗi 3 trận ghi trung bình tới 54.7 điểm/trận. Đây cũng là mùa giải Jordan đoạt danh hiệu ông vua ghi điểm NBA đầu tiên trong sự nghiệp.
Ngày 06/02/1988: Michael Jordan đánh bại Dominique Wilkins tại NBA Slam Dunk Contest diễn ra ngay ở Chicago, lên ngôi vô địch năm thứ 2 liên tiếp. Ngay trong ngày hôm sau, MJ đoạt danh hiệu All-Star Game MVP đầu tiên.
Ngày 25/05/1988: Vượt qua hai đối thủ nặng ký là Larry Bird của Boston Celtics và Magic Johnson của Los Angeles Lakers, Michael Jordan đoạt danh hiệu MVP - Cầu thủ xuất sắc nhất
Ngày 07/05/1989: Michael Jordan tung ra cú game-winner để định đoạt series Playoffs giữa Chicago Bulls và Cleveland Cavaliers. Cú ném này được đặt tên là "The Shot". Dẫu vậy, chăng đường chinh phục cúp vô địch vẫn chưa có kết quả với Jordan.
Ngày 10/07/1989: Sau khi sa thải HLV Doug Collins, Chicago Bulls ký hợp đồng với HLV Phil Jackson, vị thuyền trưởng thứ 4 trong thời gian Michael Jordan thi đấu tại CLB này.
Ngày 05/06/1991: Sự thay đổi cuối cùng đã mang lại kết quả. Michael Jordan cùng Chicago Bulls lọt vào loạt trận Finals đầu tiên để chạm trán Los Angeles Lakers. Đây là nơi pha lên rổ đổi tay ngay trên không của Jordan đã trở thành huyền thoại.
Chicago Bulls đánh bại Lakers nhờ sự xuất sắc của Michael Jordan cùng các đồng đội, MJ có chức vô địch đầu tiên trong sự nghiệp.
Ngày 03/06/1992: Michael Jordan ném vào 6 quả 3 điểm ngay trong hiệp 1 để mở đầu loạt trận NBA Finals thứ hai liên tiếp. Ông quay ra khán giả và thực hiện cú nhún vai thần thánh trước khi Bulls đánh bại Portland Trail Blazers sau 6 game để lên ngôi vô địch lần thứ hai.
Xem ngay: Sáu quả 3 điểm và cú nhún vai thần thánh của Michael Jordan
Ngày 08/08/1992: Michael Jordan cùng "đội hình trong mơ - Dream Team" của tuyển Mỹ giành huy chương vàng Olympic diễn ra ở Barcelona. MJ ghi 22 điểm trong trận đấu chung kết.
Ngày 20/06/1993: Michael Jordan ghi 33 điểm cùng 8 rebounds và 7 assists ở lượt trận định đoạt series NBA Finals 1993. Tuy nhiên, người đồng đội của ông, John Paxson mới là chủ nhân của cú ném 3 điểm game-winner, mang về cúp vô địch thứ 3 trong 3 năm liên tiếp cho Chicago Bulls.
Ngày 03/08/1993: Vừa thăng hoa cùng sự nghiệp, nhưng Michael Jordan phải trải qua một trong những ngày đen tối nhất cuộc đời. Sau khi mất tích suốt 3 tuần, thi thể của bố Michael Jordan được tìm thấy ở phía nam Carolina.
Ngày 06/10/1993: Hai tháng sau cú sốc cuộc đời, Michael Jordan tuyên bố giải nghệ lần đầu tiên vì lý do "không còn hứng thú với bóng rổ".Tuy nhiên, ông cũng nói rằng có khả năng sẽ trở lại thi đấu. Lúc này, Jordan mới chỉ 30 tuổi.
Ngày 07/02/1994: Jordan ký hợp đồng để chơi bóng chày chuyên nghiệp cho CLB Chicago White Sox. Rời xa sân bóng rổ, MJ muốn thử sức với bóng chày để tưởng nhớ người cha quá cố vì đã từng hướng anh theo môn thể thao này.
Ngày 18/03/1995: Sau khi chia tay bóng rổ 17 tháng, Michael Jordan bất ngờ tuyên bố sẽ tái xuất với Chicago Bulls. Bản fax với chỉ 2 chữ "I'm Back" là thứ gây sốt cả thế giới thể thao thời điểm đó.
Ngày 28/03/1995: Chạm trán New York Knicks ở "thánh địa" Madison Square Garden, Michael Jordan khoác trên mình chiếc áo số 45 đã ghi 55 điểm vào rổ đối thủ. Đây là kỷ lục thời bấy giờ của NBA bởi một đối thủ thi đấu tại sân MSG. Tuy nhiên, kỷ lục này đã bị phá bởi cố huyền thoại Kobe Bryant.
Ngày 18/05/1995: Sự trở lại muộn màng của Michael Jordan đã không thể biến thành điều thần kỳ cho Chicago Bulls khi họ bị Orlando Magic của Shaquille O'Neal đánh bại. Đây là series Playoffs đầu tiên kể từ năm 1990 mà Jordan sắm vai kẻ thua cuộc.
Ngày 21/04/1996: "Bại binh phục hận" Chicago Bulls sống dậy. Cùng với Toni Kukoc, Scottie Pippen và tân binh Dennis Rodman, Michael Jordan cùng các đồng đội đánh bại Washington Bullets với tỷ số 109-93 để thắng trận thứ 72 trong Regular Season.
Đây chính là mùa giải kỷ lục 72-10 với Jordan là MVP của giải. Mãi đến năm 2016, Golden State Warriors mới đánh bại được kỷ lục này với 73 chiến thắng.
Ngày 16/06/1996: Chicago Bulls khép lại toàn bộ vòng Playoffs với chỉ 3 thất bại, vượt qua Seattle SuperSonics của Gary Payton để trở thành nhà vô địch NBA.
Là cầu thủ xuất sắc nhất, Michael Jordan đoạt danh hiệu NBA Finals MVP thứ 4 trong sự nghiệp cùng chiếc nhẫn vô địch thứ 4 trong 6 năm.
Ngày 15/11/1996: Phim hoạt hình bóng rổ Space Jam chính thức ra rạp với Michael Jordan thủ vai chính bên cạnh những nhân vật hoạt hình như Bugs Bunny hay đại gia đình Looney Toons. Dù phim nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, doanh thu mang lại vẫn cán mốc 230 triệu đôla.
Ngày 11/06/1997: Michael Jordan ghi dấu ấn đậm nét với trận đấu "Flu Game", nơi anh đã kiệt sức hoàn toàn vì bị ốm nhưng vẫn ghi 33 điểm tại Game 5 của NBA Finals.
Ba ngày sau, Jordan cùng Chicago Bulls đánh bại Utah Jazz ở Game 6. Bản thân Michael ghi 39 điểm để kết liễu đối thủ, trở thành nhà vô địch NBA lần thứ 5 trong sự nghiệp.
Ngày 24/07/1997: Lục đục xuất hiện trong ban lãnh đạo Chicago Bulls. Đội bóng ký hợp đồng 1 năm với HLV Phil Jackson nhưng cảnh báo rằng đây sẽ là mùa giải cuối cùng ông dẫn dắt CLB. Michael Jordan tuyên bố sẽ không chơi cho bất kỳ HLV nào khác ngoài ông Jackson.
Điều này dẫn đến việc tập thể Chicago Bulls gọi mùa giải 1997-98 là "The Last Dance - Điệu nhảy cuối cùng". Họ cho phép một nhóm phóng viên ghi lại trọn vẹn mọi khoảnh khắc diễn ra trong suốt mùa giải và đến nay, ESPN tổng hợp lại để cho ra mắt phim tài liệu cùng tên dài 10 tiếng đồng hồ.
Ngày 14/06/1998: Michael Jordan tung ra một trong những cú ném "clutch" nhất lịch sử. Đối đầu với Utah Jazz tại NBA Finals, Jordan đã ghi 43 điểm trước khi loại bỏ Byron Russell rồi ném thành công từ cự ly trung bình, mang về chiến thắng và ngôi vô địch thứ 6 trong 8 năm cho Chicago Bulls.
Bỏ túi danh hiệu Finals MVP thứ 6 trong sự nghiệp, lên ngôi vô địch 6 lần và bất bại tại NBA Finals, Michael Jordan tuyên bố sẽ giã từ sự nghiệp vì đã "quá mệt mỏi về tinh thần khi thi đấu".
Nhìn lại cú ném cuối cùng Michael Jordan thực hiện cho Chicago Bulls, mang về chức vô địch thứ 6 trong sự nghiệp:
Ngày 25/09/2001: Một lần nữa, Michael Jordan trở lại với bóng rổ. Lần này, ông không còn thi đấu cho Bulls mà khoác áo Washington Wizards ở tuổi 39. Quyết tâm không để tuổi tác ảnh hưởng đến bản thân, Jordan ghi trung bình 22.9 điểm mỗi trận trong 60 lần ra sân trong mùa đầu tiên tái xuất.
Ngày 16/03/2003: Sau 2 mùa giải thi đấu cho Washington Wizards, Michael Jordan chơi trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp và ghi 15 điểm. Lần này, ông đã chính thức giải nghệ và không quay lại chơi bóng chuyên nghiệp thêm lần nào nữa.
Ngày 11/09/2009: Michael Jordan được đưa vào Sảnh danh vọng Naismith (Hall of Fame). Trong bài phát biểu, Jordan đã để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ khi nhắm thẳng vào những ai luôn nghi ngờ ông trong suốt sự nghiệp. Đây cũng là nơi "Jordan Crying Meme", hình ảnh Michael Jordan đầy nước mắt được ra đời.
Ngày 17/03/2010: Jordan mua lại phần lớn quyền sở hữu CLB Charlotte Bobcats (tiền thân của Charlotte Hornets ngày nay) với giá 275 triệu đôla, trở thành cựu cầu thủ NBA đầu tiên sở hữu một đội bóng tại NBA.
Nhờ việc làm ông chủ của Charlotte Hornets và mang về doanh thu khủng mỗi năm từ thương hiệu Jordan Brand, huyền thoại Michael Jordan trở thành cựu cầu thủ NBA đầu tiên trở thành một tỷ phú. Khối tài sản của ông Forbes được xác định vào khoảng hơn 2.1 tỷ đôla vào năm 2014.
Năm 2016: Michael Jordan nhận Huân chương Tự do từ Tổng thống Mỹ Barrack Obama, làm dày thêm di sản bất tử của một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại.