Theo trí nhớ của Nate McMillan, trợ lý HLV ĐT bóng rổ Mỹ tại Olympic 2008, đội tuyển khi ấy tập hợp những ngôi sao hạng A của NBA như LeBron James, Dwayne Wade, Chris Bosh, Carmelo Anthony,... Trong buổi họp đội đầu tiên, phần lớn các ngôi sao ngồi hàng ghế cuối. Các trợ lý ngồi ngay hàng ghế đầu. Ở hàng ghế thứ hai, chúng ta có Kobe Bryant.
Ở phía sau, các đồng đội cười đùa, nói chuyện, pha trò. Riêng Kobe chăm chú lắng nghe và tiếp thu mọi thông tin từ bài trình bày của HLV trưởng Mike Krzyzewski.
Sau buổi họp, Bryant một mình tới phòng tập, thực hiện những cú ném. McMillan tình nguyện rebound giúp Kobe. 2 người nói chuyện về những gì sắp diễn ra tại Bắc Kinh và vai trò của Kobe Bryant trong đội tuyển. McMillan nói rằng ĐT Mỹ cần sự đoàn kết của những ngôi sao, và Kobe chính là người cần để tạo ra sự gắn kết ấy.
"Trong thất bại năm 2004, chúng tôi cảm tưởng rằng các siêu sao không còn coi trọng Olympic như trước đây. Mọi người nói thái độ của đội bóng rất tồi. Chúng tôi đã mang tiếng xấu và không thể để điều đó lặp lại. Chúng tôi muốn nhận được sự tôn trọng, chúng tôi cần phải khẳng định vị thế số 1 thế giới", McMillan chia sẻ.
Năm 2005, sau khi nhiều trụ cột chia tay đội tuyển, Chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ Jerry Colangelo xây dựng chương trình để tìm lại vinh quang. Việc đầu tiên của ông là tìm tới nhiều cầu thủ và yêu cầu họ cam kết tham gia ĐT Mỹ trong 3 năm. Trong danh sách có những cái tên như LeBron James, Michael Redd. Nhưng cái tên quan trọng nhất là Kobe Bryant.
Colangelo tiếp cận ngôi sao của Lakers và Bryant không lưỡng lự, đồng ý ngay lập tức. Một phần lý do là sự xuất hiện tân HLV trưởng Mike Krzyzewski, người từng tốt nghiệp trường quân sự nổi tiếng West Point. Coach K mời cả những tướng lĩnh quân sự, những đặc vụ SEAL tới để nói chuyện về niềm tự hào khi phục vụ quốc gia.
"Chúng tôi có những cách nhỏ nhặt riêng để đại diện cho đất nước", Kobe Bryant nhớ lại. "Bạn có thể thi đấu cho Lakers, Heat, Mavericks, ... Nhưng mọi thứ rất khác khi bạn khoác lên mình chiếc áo đội tuyển Mỹ, vì khi ấy bạn thi đấu vì nước Mỹ".
Sau khi vắng mặt ở Giải Vô địch Thế giới 2006 vì chấn thương, Kobe Bryant gia nhập đội tuyển một năm sau đó, trong quá trình chuẩn bị cho FIBA Americas Championship. Ngay lập tức, ngôi sao Lakers chứng minh vai trò thủ lĩnh
"Ngay trong ngày đầu tiên, Kobe Bryant đã thiết lập nên những tiêu chuẩn", Jerry Colangelo hoài niệm. "Bóng bay trên không, rơi xuống đất và Kobe phi tới, bay người cứu bóng. Đó là điểm khởi đầu".
Kobe năm đó 29 tuổi, cùng với Jason Kidd (30) là những cầu thủ lớn tuổi nhất đội tuyển, dẫn tới những nghi ngờ về việc anh có thể hòa nhập cùng dàn sao trẻ. Nhưng khoảng thời gian sinh hoạt cùng nhau giúp các cầu thủ trở nên thân thiết hơn. Kobe thường dậy sớm hơn để tập riêng, và các cầu thủ trẻ cũng bắt đầu thay đổi thời gian biểu theo người đàn anh.
"Dwyane Wade gặp tôi trên sân tập lúc 5 giờ sáng, sau đó tới lượt LeBron James cũng đi tập lúc 5 giờ. Cuối cùng thì hầu hết cả đội đều bắt đầu tập luyện lúc 5 giờ sáng. Tất cả chúng tôi đều dậy rất sớm và ở lại rất muộn. Nhờ đó mà tôi hiểu rõ họ hơn", Kobe Bryant chia sẻ.
Sau khi nghe nhiều lời khuyên, Kobe chuyển sự tập trung sang việc xem băng hình. Anh yêu cầu phải được theo dõi, phân tích băng hình của những cây ghi điểm chính của mỗi đội tuyển. Ngôi sao Lakers cho rằng đối thủ có lợi thế hơn hẳn khi NBA phát sóng trên khắp thế giới và họ dễ dàng phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các cầu thủ ĐT Mỹ.
Bryant đã đúng, vì BHL ĐT Mỹ không thể cung cấp đủ băng hình. Anh lập tức cảnh báo các đồng đội trẻ, không để họ chủ quan. Kobe nhắc đi nhắc lại rằng các tuyển thủ Mỹ không hề vượt trội, và những cầu thủ nước ngoài giấu tài năng của họ rất kín.
"Những cầu thủ còn lại trong đội đều rất trẻ, họ chưa từng có kinh nghiệm đăng quang tại đấu trường quốc tế. Tôi phải nói với họ rằng, đừng coi thường đối thủ vì họ không chơi tại NBA. Tôi lớn lên ở Ý và tôi hiểu rõ các cầu thủ nước ngoài tài năng đến đâu. Nếu không tôn trọng họ, bạn sẽ gặp rắc rối rất lớn. Tôi phải nhấn mạnh thông điệp ấy", Kobe Bryant khẳng định.
Khi cả đội bước vào giai đoạn thi đấu tại Olympic Bắc Kinh, Kobe Bryant ngay lập tức thiết lập tiêu chuẩn về tinh thần thi đấu. Trong trận đầu tiên gặp Tây Ban Nha, khi trận đấu mới chỉ diễn ra chưa đầy 2 phút, Kobe đối mặt với một cú screen của Pau Gasol. Bryant và Gasol là đồng đội tại Lakers và vừa mới vào tới Chung kết NBA 2008.
Và thế là Bryant tặng cho Gasol một cú đẩy vai siêu hạng, khiến trung phong người Tây Ban Nha ngã lăn xuống sàn trong sự ngơ ngác.
"Đó gần như là pha bóng đầu tiên trong trận đấu", LeBron James nhớ lại. "Kobe chỉ nghĩ về chiến thắng, bất kể đang chơi cho đội nào hay phải đối đầu với ai. Pau là đồng đội của anh ấy và dường như anh ấy quên rằng sẽ phải gặp Pau tại Lakers sau đó 3 tuần. Thật là điên rồ".
ĐT Mỹ sau đó thắng trọn cả 5 trận vòng bảng, vượt quả Australia lẫn Argentina để vào Chung kết, tái ngộ Tây Ban Nha của anh em nhà Gasol. Đã có lúc Tây Ban Nha cân bằng tỉ số 91-91 ở cuối trận, nhưng những lời đáp trả kịp thời của Kobe Bryant đem về chiếc huy chương Vàng cho ĐT Mỹ.
Sau đó 2 năm, Lakers lên ngôi tại NBA, Đội tuyển bóng rổ Mỹ giành thêm huy chương Vàng tại London, nhưng những chiến thắng ấy không thể sánh ngang với ngôi vị quán quân tại Bắc Kinh, phần lớn là nhờ Bryant. Trong một đội bóng gồm toàn những thủ lĩnh, anh trở thành thủ lĩnh của họ.
"LeBron có lợi rất nhiều khi được thi đấu bên cạnh Kobe Bryant. Anh ấy giúp các cầu thủ khác chơi tốt hơn, và ai trong đội tuyển ấy cũng có những năm tháng tỏa sáng ở phía sau. Melo, Chris Paul, ... họ đều trở thành những cầu thủ xuất sắc hơn khi được Kobe dẫn lối", Jerry Colangelo nhận định.
Giờ đây, đội tuyển Mỹ đang đứng trước những kỳ vọng giống hết năm 2008. Thất bại tại FIBA World Cup 2019 khiến thầy trò Gregg Popovich gặp áp lực phải giành tấm huy chương Vàng tại Tokyo mùa hè này. Rất nhiều siêu sao lên tiếng khẳng định về ý muốn phục vụ đội tuyển tại Thế Vận Hội, nhưng ai sẽ thay thế trọng trách của Kobe gắn kết những ngôi sao?