Chiều ngày 8/7/2012, Andy Murray nhận một thất bại cực kỳ cay đắng. Anh không thể vượt qua Roger Federer ở trận chung kết Wimbledon đầu tiên trong sự nghiệp. Sau trận, Murray đã khóc và tự hỏi tại sao lại thua cả 4 trận chung kết ở tuổi 25...
Sau trận thua đó, Andy Murray đã khiến làng banh nỉ rúng động khi mời được huyền thoại một thời, Ivan Lendl, về làm HLV cho mình.
Lendl nhanh chóng giúp Murray phát huy tối đa năng lực bản thân và đặc biệt là vượt qua sức ép tâm lý của cái gọi là "hội chứng sợ các trận chung kết Grand Slam".
Một tháng sau khi thua Federer ở CK Wimbledon, Murrary với thầy mới Ivan Lendl đã đánh bại chính đối thủ ở trận tranh HCV Olympic London. 1 tháng sau đó Murray giành Grand Slam đầu tiên, danh hiệu Mỹ mở rộng 2012, và 1 năm sau đó anh đăng quang ở Wimbledon.
Uy tín của Lendl càng lên cao khi Murray trở thành tay vợt đầu tiên của Liên hiệp Anh lên ngôi ở giải Wimbledon trong vòng 77 năm.
Sau khi Lendl và Murray “giữa đường đứt gánh” hồi đầu năm 2013, phong độ của tay vợt người Anh đi xuống và anh không giành thêm được Grand Slam nào.
Nhưng sự hợp tác giữa Murray và Lendl vô hình trung tạo ra một thuật ngữ mới, mối mối quan hệ đặc biệt giữa những siêu sao quần vợt hàng đầu với những... "siêu HLV". Và nó cũng chứng minh rằng ở môn tennis, những tay vợt lẫy lừng trong quá khứ hoàn toàn có thể trở thành HLV giỏi, khi giúp những ngôi sao hàng đầu hiện tại đột phá vươn lên một tầm cao hơn nữa.
Sau cặp Lendl và Murray, Novak Djokovic cũng đạt lên cảnh giới cao siêu khi gặp được người thầy "số má" Boris Becker. Đến đầu năm 2014, mô hình “Siêu HLV” kết hợp với các VĐV bắt đầu nở rộ.
Trong đó có thể kể đến Roger Federer và Stefan Edberg, Goran Ivanisevic và Marin Cilic, Michael Chang và Kei Nishikori, Lindsay Davenport và Madison Keys, Martina Navratilova và Agnieszka Radwanska.
Những sự kết hợp này đã mang lại những hiệu quả nhất định. Lendl trở lại giúp Murray đứng ở vị trí số 1 thế giới năm 2016. Becker giúp Djokovic có được 6 danh hiệu. Edberg đưa Federer trở lại thời hoàng kim.
Chưa hết, vào năm 2017 Carlos Moya đã giúp Nadal trở lại ngôi vị số 1 TG. Ở nửa còn lại của thế giới banh nỉ, tay vợt nữ hàng đầu một thời, Davenport cũng giúp đàn em Madison Keys vào tới CK Mỹ mở rộng 2017. Conchita Martinez dẫn dắt Garbine Muguruza tới danh hiệu Wimbledon đầu tiên trong sự nghiệp.
Trở lại với Novak Djokovic, dù chia tay Becker thì ngay sau đó anh cũng chọn một tượng đài khác, Andre Agassi làm HLV.
Sự hiện diện của những “siêu HLV” trong thành phần ban huấn luyện của những ngôi sao quần vợt hàng đầu hiện tại dường như đã trở thành "điều không thể thiếu".
Kinh nghiệm của những "siêu HLV" là điều quý báu, nhưng liệu họ có dạy thêm về kỹ thuật cho những ngôi sao hiện tại?
Đó có thể là một bí mật mà không ai muốn chia sẻ. Nhưng có những điều mà chính các tay vợt đã bật mí, rằng vì sao họ lại chọn những “siêu HLV”.
"Tôi không nhìn nhận Edberg ở vai trò HLV chuyên môn, mà như một người truyền cảm hứng, một huyền thoại trong đội của tôi, chỉ đơn thuần là trao đổi về tennis", Federer giải thích khi mời cựu ngôi sao người Thụy Điển về làm việc.
"Conchita biết rõ cách giành chiến thắng ở đây, sân Trung tâm, và đó là điều tuyệt vời", Muguruza chia sẻ về "siêu HLV" của mình trên hành trình đăng quang tại Wimbledon. "Có cô ấy ở bên giúp tôi cảm thấy rằng mình có thêm sự tự tin từ một ai đó đã giành vinh quang tại đây".
Mỗi "siêu HLV" có thể giúp các tay vợt theo cách khác nhau. Nhưng dù là trong trường hợp nào, sự trợ giúp ấy cũng xuất phát từ thái độ tôn trọng chính các "siêu học trò", của các "siêu HLV".
Điều này lý giải vì sao Nadal tin tưởng Moya tuyệt đối khi được tư vấn nên linh hoạt thay đổi vị trí giao bóng chẳng hạn. Murray luôn đánh giá rất cao sự trung thực từ Lendl. Và Keys có niềm tin không lung lay vào những kinh nghiệm quý báu Davenport truyền lại.
Tất cả, nó đã nói lên sự kết hợp tuyệt vời giữa hai siêu sao ở hai thế hệ mà hẳn ban đầu ít ai dám nghĩ đến thành công khi họ đứng trong một đội!