Một trong những khác biệt lớn nhất của US Open năm nay chính là sân trung tâm Arthur Ashe đã có mái che.
Giải Grand Slam trên đất Mỹ từng có thời phải nhận vô số chỉ trích và phàn nàn khi nhiều lần các trận đấu không thể diễn ra vì trời mưa. Đây là nguyên nhân khiến cho 5 trận chung kết liên tiếp từ 2008 đến 2012 phải kéo dài sang ngày thứ Hai.
Năm nay điều đó sẽ không xảy ra, ít nhất là những trận đấu được tổ chức trên sân Arthur Ashe với mái che di động đã được hoàn thiện sau 3 năm xây dựng. Tấm mái trị giá 150 triệu USD này là sản phẩm của công ty Rossetti, được nâng đỡ bởi 8 cột trụ tách biệt chạy vòng quanh sân Arthur Ashe với mỗi cột được khoan sâu xuống đất tới hơn 50m.
Hai tấm mái nặng 6.500 tấn với chất liệu sợi thủy tinh PTFE chỉ mất khoảng 7 phút để đóng lại hoàn toàn. Quan trọng hơn, khi mái che đóng lại, độ ẩm trong sân thường cao hơn, dẫn đến bóng nẩy sẽ chậm hơn. Với điều kiện như vậy, nhiều người tin rằng một số tay vợt sẽ được hưởng lợi. Roger Federer - tay vợt không tham dự US Open năm nay vì chấn thương đầu gối - dự đoán mái che mới sẽ giúp ích nhiều cho Nole (biệt danh của Djokovic).
Ở buổi họp báo hôm thứ Sáu, Djokovic nhận xét: “Nó cho phép những tay vợt trả giao bóng có thêm cơ hội kéo dài loạt bóng hơn là việc chỉ biết đứng nhìn sau mỗi cú giao bóng của đối thủ. Thành thực mà nói, tôi không cảm thấy phiền phức nếu phải thi đấu trong nhà ở 2 tuần tới”.
Đang là ĐKVĐ của giải và cũng được chọn làm hạt giống số 1, các trận đấu của Djokovic sẽ chủ yếu diễn ra trên sân Arthur Ashe. Mặc dù vậy, tay vợt Serbia cũng nhấn mạnh ưu thế trên là không lớn và nói vui rằng anh không “thức dậy mỗi sáng để cầu nguyện trời mưa”.
Trên thực tế, sự khiêm tốn của Djokovic hoàn toàn có lý. Khi mái che ở sân trung tâm được đóng lại, một điểm đáng chú ý là hệ thống điều hòa cũng sẽ được bật lên nhằm ổn định độ ẩm không khí, hạn chế sự khác biệt giữa thời tiết trong và ngoài sân đấu.
Trước giải đấu, BTC đã tiến hành một vài kiểm tra và kết quả cho thấy điều kiện thi đấu trước và sau khi mái che được đóng lại không khác nhau nhiều. Sự ảnh hưởng là có, song chỉ thể hiện rõ ràng trong khoảng thời gian mà mái che mới đóng lại.
Người duy nhất có quyền kích hoạt mái che hay không là giám sát trọng tài Brian Earley. Trợ giúp cho ông Earley là 2 nhà khí tượng học túc trực tại khu tổ hợp USTA Billie Jean King với máy móc chuyên dụng để theo dõi tình hình mưa gió.
Nếu trời mưa trước khi mái che được đóng lại, thông báo tạm hoãn có thể vẫn được đưa ra trong lúc chờ mặt sân Arthur Ashe khô ráo trở lại. Giám đốc điều hành US Open David Brewer hứa sẽ hạn chế trường hợp này xảy ra: “Rất nhiều người mong chờ mái che trong thời gian dài, chúng tôi không thể làm họ thất vọng. Mái che sẽ chuyển động ngay trước lúc trở trời”.
Khi mái che được đóng lại giữa trận đấu, nó sẽ giữ nguyên tình trạng cho đến lúc kết thúc. Ngoài ra “chiếc ô khổng lồ” cũng sẽ chỉ được sử dụng nếu trời mưa chứ không như Australian Open, mái che được khép lại do thời tiết nắng nóng tại Melbourne. Theo BTC US Open, thiết kế của mái che vốn dĩ đã tạo ra nhiều bóng râm hơn trước rất nhiều.
Dù đã được nâng cấp song US Open có lẽ vẫn sẽ chịu không ít phiền toái ở tuần đầu tiên nếu trời mưa, khi mà các sân đấu khác ngoài Arthur Ashe vẫn chưa có mái che. Louis Armstrong sẽ là sân tiếp theo được lắp “ô” nhưng phải đến năm 2018 mới hoàn thiện.
Còn nếu trời không mưa, mái che chắc chắn cũng sẽ được đóng lại ít nhất một lần tại giải năm nay trong buổi lễ khai mạc US Open 2016 có sự xuất hiện của danh ca Phil Collins.