Trước thềm Australian Open: Nỗi lo vấn nạn dàn xếp tỷ số

thứ tư 11-1-2017 14:59:12 +07:00 0 bình luận
Năm thứ 2 liên tiếp, thời điểm Australian Open chuẩn bị khởi tranh là lúc những câu chuyện về dàn xếp tỷ số trong quần vợt lại dậy sóng.

Năm thứ 2 liên tiếp, thời điểm Australian Open chuẩn bị khởi tranh là lúc những câu chuyện về dàn xếp tỷ số trong quần vợt lại dậy sóng.

Mới đây nhất, tay vợt người Romania Alexandru-Daniel Carpen (từng giữ hạng 274 đôi thế giới) đã phải nhận án phạt cấm thi đấu suốt đời từ Ủy ban liêm chính quần vợt (TIU) vì tiếp cận một tay vợt khác (không được nêu tên) nhằm mua bán tỷ số trận đấu hồi tháng 10/2013.

Bản án dành cho Carpen đến đúng một ngày sau khi hàng loạt tay vợt người Australia khác cũng phải nhận những khoảng thời gian treo vợt riêng. Cựu tay vợt hạng 187 thế giới, Nick Lindahl bị cấm thi đấu 7 năm và nộp phạt 35.000 USD vì cố tình để thua tại giải Men’s Futures ở Brisbane tháng 9/2013 và bất hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.

Hai tay vợt khác cũng phải nhận án kỷ luật là Brandon Walkin và Isaac Frost. Walkin (hạng 1.066 thế giới) bị cấm thi đấu 6 tháng  vì đứng ra thỏa thuận dàn xếp tỷ số với một bên khác thay cho Lindahl, trong khi Frost (hạng 1.509 thế giới) đã bị cấm thi đấu từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014 do từ chối cung cấp điện thoại cho TIU điều tra. Vì đã thực hiện án treo giò từ trước, cả hai hiện tại đều được phép trở lại thi đấu.

Nick Lindahl đã giải nghệ từ năm 2013 nhưng án phạt khiến anh không được tham dự bất kỳ giải đấu hay sự kiện nào nằm trong hệ thống Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) trong khoảng thời gian trên
Nick Lindahl đã giải nghệ từ năm 2013 nhưng án phạt sẽ khiến anh không được tham dự bất kỳ giải đấu hay sự kiện nào nằm trong hệ thống Liên đoàn quần vợt quốc tế trong 7 năm

Tuần trước, quần vợt Australia chấn động khi tài năng trẻ sáng giá của họ Oliver Anderson, ĐKVĐ đơn nam trẻ Australian Open, bị cáo buộc dàn xếp tỷ số trong một trận đấu ở giải Challenger năm 2016. Tháng 12 vừa qua, cảnh sát Tây Ban Nha cũng bắt giữ 6 tay vợt vì tội trạng tương tự.

Thế nhưng không chỉ có những tay vợt vô danh hay thứ hạng thấp bị cáo buộc. Bên cạnh thông tin gây sốc của BBC và Buzzfeed về tình trạng dàn xếp tỷ số, những ngày đầu tiên của Australian Open năm ngoái còn xôn xao trước việc Novak Djokovic bị nghi ngờ bán độ.

ảnh quoteNgày đầu tiên của Australian Open 2016 rúng động khi BBC và Buzzfeed News tiết lộ nắm giữ nhiều bằng chứng liên quan đến bê bối dàn xếp tỷ số liên quan đến 16 tay vợt trong Top 50. Cáo buộc khiến các tổ chức quan trọng như ITF, ATP, WTA phải thành lập một ủy ban độc lập, đứng đầu là luật sư Adam Lewis, để điều tra và đánh giá những vấn đề tiêu cực của quần vợt. anh quote

Tờ Tuttosport của Italy khi đó cáo buộc Djokovic cố tình thua trước Fabrice Santoro tại vòng 2 Paris Masters 2007. Ở trận đấu đó, hạt giống số 3 Djokovic được đánh giá cao hơn tay vợt 34 tuổi và kém mình 36 bậc Santoro nhưng lại bất ngờ thất bại sau 2 set với tỷ số 3-6, 2-6. Djokovic sau đó phủ nhận, cho rằng câu chuyện trên là hoàn toàn bịa đặt và lý giải trận thua do chưa đủ thể lực sau ca phẫu thuật răng không.

Ngoài Djokovic, cựu số 3 thế giới Nicolay Davydenko và nhà vô địch Grand Slam Lleyton Hewitt là hai tên tuổi khác cũng từng bị nghi “nhúng chàm”. Dù tất cả chỉ dừng ở mức phỏng đoán song nó cho thấy dàn xếp tỷ số đang trở thành vấn đề lớn trong quần vợt với những diễn biến phức tạp.

Djokovic từng bị nghi ngờ bán độ
Djokovic từng bị nghi ngờ bán độ

Theo báo cáo gần đây nhất trong quý 3 năm 2016 của Hiệp hội an ninh thể thao châu Âu (ESSA), quần vợt là môn thể thao bị nghi cá độ nhiều nhất. Trong tổng số 37 trường hợp đáng ngờ, có đến 31 vụ việc (chiếm 84%) liên quan đến tennis, gấp hơn 10 lần so với bóng đá với 3 trận đấu khả nghi.

Trên thực tế, TIU cho rằng con số này chỉ như phần nổi của tảng băng với số trận đấu “có mùi” cao hơn nhiều. Cũng trong quý 3 năm ngoái, TIU nhận được tổng cộng 96 lời cảnh báo, trong đó chủ yếu đến từ các giải trẻ hoặc cấp độ thấp.

Theo Paul McNamee, cựu vô địch đánh đôi Australian Open và Wimbledon, nguyên nhân khiến tình trạng tiêu cực tăng cao trong tennis là do mức tiền thưởng ít: “Thay vì 50 tay vợt nam và tay vợt nữ là 100 tay vợt nam và nữ đang kiếm sống. Nếu bạn ít được biết đến, không dư dả tiền bạc và chẳng còn gì để mất, bạn dễ tuyệt vọng và làm những việc dại dột”.

Australian Open 2017 có những bước đi mạnh mẽ trong việc phòng chống tình trạng dàn xếp tỷ số
Australian Open 2017 có những bước đi mạnh mẽ trong việc phòng chống tình trạng dàn xếp tỷ số

Để giải quyết vấn đề, Australian Open đã tăng mạnh tiền thưởng, đặc biệt dành cho nhóm tay vợt sớm bị loại. Với mức tăng kỷ lục 36,2 triệu USD (14%), các tay vợt thất bại ở vòng 1 sẽ nhận 36.000 USD (tăng 30%), vòng 2 là 58.000 USD (19%) và vòng 3 là 94.000 USD (20%), trong khi tiền thưởng ở các vòng sơ loại cũng nhiều hơn đến 39% so với năm 2016.

Giám đốc giải đấu Craig Tiley cho biết: “Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là giúp các tay vợt chuyên nghiệp có thứ hạng thấp nhận thêm nhiều hỗ trợ và an tâm hơn khi lựa chọn quần vợt làm sự nghiệp thi đấu”.

Bên cạnh việc tăng tiền thưởng, BTC Australian Open 2017 còn thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm ngăn ngừa tiêu cực. Theo đó, giải đấu sẽ lần đầu tiên thuê 2 sĩ quan điều tra để trực tiếp giám sát các vấn đề xung quanh trận đấu. Ở mùa giải năm nay, Australian Open cũng bỏ những tấm biển quảng cáo của hãng cá cược William Hill dù hãng là nhà tài trợ.

Với những bước đi mạnh mẽ, giải Grand Slam đầu tiên trong năm cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc làm trong sạch làng quần vợt.

Australian Open 2017 khởi tranh từ ngày 16-29/01 tại Melbourne. Lễ bốc thăm chia cặp đấu sẽ diễn ra ngày 13/01.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm