So với các Grand Slam khác, Wimbledon là giải đấu quy định cực kỳ khắt khe về trang phục thi đấu. Từ băng-đô, quần áo cho đến tất, giày... thậm chí cả khăn lau mồ hồi, tất cả phải là màu trắng.
Những quy định... không có ở bất cứ giải đấu nào khác
Quy định này bắt đầu được thực hiện cách đây rất lâu, vào những năm 1800, khi tennis là môn thể thao phổ biến của tầng lớp thượng lưu. Ban đầu, các tay vợt được lựa chọn thoải mái màu sắc. Tuy nhiên, giới quý tộc cho rằng mặc như vậy sẽ khiến những vệt mồ hôi lộ rõ trên quần áo, và như vậy là phản cảm, nhất là với những tay vợt nữ. Từ đó, màu trắng trở thành màu chủ đạo của trang phục tennis như một truyền thống bất thành văn.
Không dừng lại ở đó, Wimbledon, giải đấu danh tiếng và lâu đời nhất thế giới, còn nâng tầm điều đó thành luật lệ. Trong khi các giải đấu ngày nay không quá coi trọng truyền thống này, thì việc Wimbledon ngày càng siết chặt các quy định khiến giải đấu trở nên rất đặc biệt.
Với Wimbledon, màu trắng còn có rất nhiều ý nghĩa khác. Cây bút Paula Cocozza của tờ Guardian giải thích rằng: “Màu trắng phản chiếu ánh sáng, đem đến cảm giác hy vọng và kỳ thú. Màu trắng thể hiện sự tự tin, lịch lãm, nó tượng trưng cho một cuộc sống vô tư lự. Đó chính là Wimbledon”. Màu trắng đối với Wimbledon như một "triết lý", một tư tưởng vậy!
Năm 1949, trên cửa phòng thay đồ của Wimbledon có một tấm biển đề nghị mặc màu trắng. Năm 1963, quy định các tay vợt phải mặc “chủ yếu màu trắng”. 32 năm sau, quy định được thắt chặt hơn về câu từ với yêu cầu: phần lớn toàn bộ là màu trắng. Những từ ngữ không rõ ràng này dường như “mời gọi” sự vi phạm.
Băng-đô của John McEnroe từng có màu đỏ, trong khi Bjorn Borg có nhiều băng cổ tay với màu sắc khác nhau. Tatiana Golovin khiến Wimbledon 2007 dậy sóng với chiếc quần lót màu đỏ, trong khi Serena Williams cũng gây ra tranh cãi khi lên ngôi với “phụ kiện” toàn màu tím năm 2012.
Để dập tắt cuộc “nổi loạn” về màu sắc, Wimbledon không ngừng thay đổi, cập nhật, đưa ra những lằn ranh rõ ràng hơn hơn về quy định trang phục qua từng năm. Đỉnh điểm đến vào năm 2014 với hàng loạt quy định về trang phục khắt khe được đưa ra, trong đó có những điều đáng chú ý như: cấm màu trắng nhạt, màu kem; được phép dùng màu khác trên viền đơn ở cổ hoặc thân áo nhưng độ rộng không quá 1 cm; trong khi thi đấu, không được mặc “nội y” có màu.
Các tay vợt được phép ăn mặc tự do trên sân tập. Tuy nhiên, nếu tập ở sân chính, các quy định “trắng” vẫn sẽ được áp dụng. HLV của tay vợt Bethanie Mattek-Sand năm ngoái đã phải đứng ngoài theo dõi học trò tập luyện vì chiếc áo khoác không có màu trắng.
Điểm được coi là "mềm mỏng" nhất trong quy định trang phục của Wimbledon là những ai vi phạm sẽ không bị lập biên bản hay lưu lại hồ sơ. Tuy nhiên, luật cũng yêu cầu tất cả những người có mặt trên sân, ở những khu vực chính của CLB, đều phải mặc màu trắng.
Đến Federer cũng bất bình
Các tay vợt không chỉ phải tìm hiểu, suy nghĩ về đối thủ của mình, họ còn phải “ngó trước ngó sau” xem mình sẽ mặc gì, đội chiếc mũ nào trong các trận đấu. Những năm gần đây, không ít tay vợt nhận được cảnh cáo của BTC Wimbledon.
Năm 2012, Radek Stepanek được đề nghị đổi giày trước trận đấu vòng 3 với Novak Djokovic. John Isner phải cởi bỏ băng quấn tay còn Fabio Fognini buộc phải thu hẹp đường viền trên chiếc... khăn lau mồ hôi vì nó lớn hơn so với quy định.
Đỉnh điểm của sự cứng nhắc trong vấn đề trang phục tại Wimbledon là vào năm 2013, Roger Federer bị nhắc nhở vì... phần đế giày của anh có màu da cam và Fedex được yêu cầu phải thay giày ngay nếu muốn thi đấu ở trận kế tiếp. Không biết có phải bởi chưa quen với đôi giầy mới hay không mà ĐKVĐ của Wimbledon khi đó đã bất ngờ bị loại ngay ở vòng 2 trước Sergiy Stakhovsky.
Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times, Martina Navratilova, cựu tay vợt từng 9 lần vô địch Wimbledon, nói rằng cô không hiểu vì sao các quy định lại trở nên nghiêm ngặt đến như vậy, trong khi chiếc váy có viền xanh mà cô đã mặc để thi đấu tại Wimbledon trong suốt sự nghiệp còn được trưng bày ở bảo tàng Wimbledon.
“Tôi nghĩ họ đã đi quá xa”, Navratilova nói.
Hay như năm ngoái, Nick Kyrgios, tay vợt chẳng ngán bất kỳ ai, cũng phải “ngoan ngoãn” tháo bỏ băng-đô trên đầu vì nó có màu tím và xanh, những màu truyền thống khác tại Wimbledon. Đáng nói ở chỗ, đó là chiếc băng-đô chính thức của Wimbledon, in hình của Wimbledon và được bán 6 bảng ở cửa hàng của All England Club.
Phản ứng mạnh mẽ nhất là Andre Agassi. Cựu số 1 thế giới từng từ chối tham dự giải đấu trong 3 màu 1988/89/90 chỉ vì quy định phải mặc “phần lớn là màu trắng”.
Pat Cash, nhà vô địch 1987, hiện là BLV tennis, nói rằng ông đã thấy một vài tay vợt nữ bị đề nghị thay chiếc áo lót nếu nó không phải màu trắng. Nhiều tay vợt thể hiện sự bức xúc bằng cách… “thả rông” thi đấu.
Đến một tay vợt nổi tiếng lịch lãm với phong cách quý ông như Federer cũng phải phàn nàn: “Tôi yêu Wimbledon nhưng không phải theo cách này. Luật lệ đang ngày càng nghiêm ngặt một cách lố bịch”.
“Tất nhiên, tôi vẫn tôn trọng vì đó là luật lệ. Có thể trong tương lai, những quy định sẽ được nới lỏng hơn nhưng hiện tại, các tay vợt phải tìm cách vượt qua nó”.
Không thể phủ nhận quy định mặc đồ trắng khi thi đấu giúp Wimbledon trở nên đặc biệt và hấp dẫn hơn trong mắt người hâm mộ, song với các tay vợt, đó là sự gò bó chẳng dễ chịu gì.
Một số quy định khác về trang phục khác tại Wimbledon:
- Logo không được sử dụng nhiều chất liệu hoặc thay đổi kiểu dáng, phải thiết kế theo mẫu đã quy định.
- Mũ, băng quấn đầu, băng tay, khăn và tất phải là màu trắng, hoặc có một viền đơn màu với độ rộng nhỏ hơn 1 cm.
- Giày, đế giày hầu hết là màu trắng. BTC không khuyến khích in lớn logo nhà sản xuất.
- Những dụng cụ và thiết bị y tế nên có màu trắng. Chỉ sử dụng đồ dùng có màu khác trong trường hợp thực sự cần thiết.