Quần vợt thế giới đang trải qua những ngày tháng hết sức u ám. Trước khi làng banh nỉ chấn động với thông tin Maria Sharapova dương tính với chất cấm meldonium, đầu tháng 1 năm nay, BBC và BuzzFeed News gây sốc khi tuyên bố nắm giữ nhiều bằng chứng về tình trạng dàn xếp tỷ số ở các giải tennis hiện nay, trong đó có 16 tay vợt nằm trong Top 50 thế giới..
Và mới đây, dưới sự trợ giúp của Roberto di Martino, công tố viên có nhiều kinh nghiệm trong việc điều tra tiêu cực của thể thao Italia, BBC đã cho công bố một đoạn tin nhắn của một tay vợt chuyên nghiệp với kẻ chuyên móc nối với các tay vợt để dàn xếp tỷ số trận đấu.
Hai người xuất hiện trong cuộc hội thoại trên là Daniele Bracciali, tay vợt từng đứng hạng 49 thế giới năm 2006, và Manlio Bruni, người lên kế hoạch mua độ. Theo đó, trong một trận đấu tại Newport (Mỹ) năm 2007, Bruni đề nghị Bracciali giành chiến thắng ở set 1 rồi để mất break ở đầu set 2 nếu muốn có 50.000 euro.
Tuy nhiên, do Bracciali chưa biết rõ đối thủ của mình, tay vợt người Italia đã từ chối và đưa ra lời đề nghị khác, rằng anh có thể để thua luôn cả 2 set, hoặc cố gắng thắng set 1 rồi sẽ bỏ set 2 sau khi chơi 1 hoặc 2 game. Bruni đồng ý nhưng Bracciali lại không mặn mà khi mà số tiền nhận được không thay đổi, song vẫn để ngỏ cơ hội cho “đối tác” với lời nhắn: “Tôi sẽ cho ông biết nếu thay đổi quyết định”.
Đồng hương và cũng là đồng nghiệp của Bracciali, Potito Starace cũng bị cáo buộc dàn xếp nhiều trận đấu trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2011. Công tố viên Di Martino còn khẳng định có “bằng chứng sắt đá” trong 2 trận đấu cụ thể ở Barcelona năm 2009 và 2011 về việc Starace mua độ.
Liên đoàn quần vợt Italia đã cấm thi đấu suốt đời với Bracciali và Starace dù cả 2 chưa bao giờ thừa nhận việc mình dàn xếp tỷ số. Trước đó, vào tháng 11/2007, Bracciali và Starace cũng đã từng bị phạt 14.300 bảng Anh và đình chỉ 3 tháng thi đấu vì những cáo buộc phải nhận.
Theo Roberto Di Martino, công tố viên đã có 2 năm điều tra những nghi vấn về tình trạng tiêu cực trong quần vợt Italia, có hơn 20 tay vợt người Ý có liên quan đến hành vi bán độ và cá độ.
“Tôi không nói về những VĐV hạng 2, ngay cả những tay vợt tốp đầu cũng nên bị tra hỏi”, Di Martino nói rằng nhiều tay vợt khác cũng cần phải bị điều tra: “Có rất nhiều dấu hiệu bất thường, tất cả đều không thể là ngẫu nhiên được. Vấn nạn dàn xếp tỷ số đã lan rộng ra toàn cầu, không chỉ còn ở Italia nữa”.
Với việc theo dõi các cuộc nói chuyện qua điện thoại cũng như những đoạn chat trên mạng internet, Di Martino nghi ngờ có khoảng 30 trận đấu, bao gồm cả Wimbledon và Roland Garros, đã cố tình bị làm sai lệch diễn biến và kết quả.
Di Martino cho biết đã gửi những tài liệu mà ông đã thu thập được cho Cơ quan phòng chống tiêu cực trong tennis (TIU) từ 3 tháng trước, và không quên chỉ trích: “Tôi thật không hiểu vì sao một tổ chức trong sạch được thành lập lại để cho rất nhiều hành động đáng xấu hổ này xảy ra dù đã được cảnh báo cả trăm lần”.