Quyết định sẽ tham gia đánh đôi nam nữ cùng Hingis tại Olympic Rio một lần nữa cho thấy tinh thần rất Olympic của Federer. Vấn đề là liệu tình yêu với sự nghiệp và sức hấp dẫn của Olympic có làm tiêu tan kế hoạch lóe sáng lần cuối ở cây vợt đang giữ kỷ lục về số danh hiệu Grand Slam hay không?
Federer đã tham gia nội dung đánh đơn ở cả 4 kỳ Olympic kể từ Sydney 2000 nhưng anh chưa từng giành một HCV nào. Đúng hơn, anh chỉ giành 2 huy chương được đánh giá là rất khiêm tốn so với tên tuổi của anh. Đó là HCV đôi nam cùng Stan Wawrinka tại Bắc Kinh năm 2008 và HCB đơn nam ở London năm 2012. Danh hiệu sau, thua Andy Murray ở trận chung kết, còn có thể chấp nhận được.
Vào thời điểm đó, Federer đã 31 tuổi và thất bại của anh có một phần nguyên nhân là thể lực. Nên nói thêm là tại Olympic, các cây vợt ra sân hàng ngày và Federer đã kéo dài set cuối trong 3 set lên 19-17 ở vòng bán kết trước Juan Martin del Potro. Mặc dù không thi đấu ở nội dung đánh đôi do anh và Wawrinka thua từ rất sớm hay chơi trên mặt sân cỏ rất quen thuộc, FedEx vẫn có thể cảm nhận được đôi chân như đeo chì của mình trong trận chung kết.
Kể từ đó, Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) thông qua quy định tie-break ở set 3. Điều này sẽ giúp Federer tiết kiệm được thời gian nhưng có lẽ không bù đắp được việc anh già thêm 4 năm và lịch thi đấu dày đặc cho chính anh lựa chọn. Nhẩm tính qua, Federer có thể phải chơi khoảng 15 trận trong 8 ngày tại Rio và ở tuổi 35.
Một lần nữa cũng nên nói thêm là nội dung quần vợt ở Olympic Rio sẽ diễn ra trong 9 ngày liên tiếp trên mặt sân cứng và dưới thời tiết nắng nóng. Trận chung kết của nam sẽ kéo dài trong 5 set thay vì là 3 set như ở các trận đấu khác. Còn các trận đánh đôi sẽ được quyết định bằng tiebreak nếu có tỷ số hòa. Và Federer thì tham gia cả ở 3 nội dung là đơn nam, đôi nam và đôi nam nữ.
Dĩ nhiên là cây vợt người Thụy Sĩ hiểu rõ những khó khăn mà anh sẽ phải đối mặt nhưng như tất cả đánh giá, anh muốn lóe sáng lần cuối cùng với sự lấp lánh ánh vàng của chiếc huy chương
"Nếu tôi vẫn còn là HLV của anh ấy, tôi sẽ hỏi xem mục tiêu của anh ấy là gì", ông Paul Annacone cho biết. "Anh tới Rio để trải nghiệm, tìm niềm vui, giành huy chương và không nghĩ gì về HCV đánh đơn hay giải US Open sau đó? Nếu không có gì, chơi cả ba. Còn nếu ưu tiên là nội dung đánh đơn, bỏ đánh đôi đi".
Hoặc vì tinh thần dân tộc, đặc biệt khi Thụy Sĩ phải hiếm hoi lắm mới có được một “Dream Team” tại Olympic như tờ Le Matin bình luận và mục tiêu của họ là thâu tóm hết các bộ huy chương. Trong trường hợp này, dường như Federer đã quên mất là anh từng nói gì về tấm HCB tại London năm 2012, rằng “có cảm giác như tôi đã giành HCV nhưng tôi vẫn rất hạnh phúc. Có thể điều đó sẽ không xảy ra một lần nữa trong cuộc đời tôi, vì thế, tôi thực sự vui mừng với khoảnh khắc đấy".
Nếu vậy và nếu Federer thực sự cảm thấy anh đã giành HCV đánh đơn, chinh phục Olympic, liệu anh có cần phải vắt kiệt sức mình tại Rio và ở tuổi hay không?