Quy định độ tuổi có kìm hãm sự phát triển của quần vợt nữ?

thứ sáu 15-9-2017 8:34:05 +07:00 0 bình luận
Thành công của một một tay vợt 13 tuổi tại US Open vừa qua là dịp để nhiều chuyên gia và cựu tay vợt bày tỏ sự bất bình về quy định tuổi tác của quần vợt nữ.

Thành công của một một tay vợt 13 tuổi tại US Open vừa qua là dịp để nhiều chuyên gia và cựu tay vợt bày tỏ sự bất bình về quy định tuổi tác của quần vợt nữ.

US Open 2017 là giải đấu cực kỳ thành công của các cô gái chủ nhà. Sau khi Sloane Stephens đánh bại Madison Keys ở nội dung đơn nữ, khán giả tiếp tục chứng kiến trận chung kết toàn Mỹ khác khi Amanda Anisimova chiến thắng 2-0 trước Cori Gauff để đăng quang ở nội dung trẻ.

Dù thua trận, Gauff vẫn nhận được sự quan tâm lớn vì cô mới… 13 tuổi! Gauff là tay vợt trẻ nhất lịch sử từng lọt vào chung kết nội dung trẻ của US Open và đã có cơ hội trở thành nhà vô địch trẻ nhất của Grand Slam cấp độ trẻ kể từ chiến thắng của Martina Hingis tại Roland Garros 1993.

Nhưng một năm sau chiến tích của Hingis, bước ngoặt đã đến với quần vợt nữ. Vì lo ngại sức khoẻ và tâm lý của tay vợt trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu thi đấu chuyên nghiệp quá sớm, WTA đã quyết định giới hạn số lượng giải đấu mà một tay vợt tuổi teen được phép tham dự mỗi năm tuỳ vào độ tuổi.

Anisimova vô địch US Open 2017 trẻ sau khi đánh bại Cori Gauff
Anisimova vô địch US Open 2017 trẻ sau khi đánh bại Cori Gauff

Cụ thể, những tay vợt từ 14-17 tuổi được thi đấu lần lượt từ 8, 10, 12 đến 16 giải, tối đa có thể thêm 4 giải nữa nếu tay vợt đó đạt kết quả tốt. Trong khi ở lứa tuổi U13, các tay vợt chưa đủ điều kiện đánh bất kỳ giải chuyên nghiệp của WTA.

Tuy điều luật được đưa ra với mục đích tốt, nó vẫn vấp phải không ít phản đối về sự công bằng, trong đó có bố của Gauff, ông Corey: “Quy định này đưa ra để khắc phục những điểm chưa tốt trong quá khứ và tôi nghĩ nó không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tôi chỉ đơn giản muốn con gái tôi có cơ hội thi đấu với những tay vợt giỏi hơn”.

Gauff hiện đang tập luyện tại học viện của Patrick Mouratoglou – người đang làm HLV cho Serena Williams. Theo ông Mouratoglou, quy định về độ tuổi sẽ kìm hãm sự phát triển tự nhiên của một số tay vợt.

“Tôi hiểu nó được tạo ra với mong muốn bảo vệ các tay vợt, nhưng không hề. Tôi nghĩ nó khiến các tay vợt không được phát triển đúng với khả năng của họ. Martina Hingis sẽ chẳng bao giờ giữ vị trí số 1 thế giới nếu quy định này ra đời sớm hơn”, vị HLV 47 tuổi nói.

Hingis với Grand Slam đầu tiên ở Australian Open khi mới 16 tuổi
Hingis với Grand Slam đầu tiên ở Australian Open khi mới 16 tuổi

Quả thực, Hingis đạt được thành công từ rất trẻ. Ở tuổi 16, tay vợt người Thuỵ Sĩ đã sở hữu 3 Grand Slam đơn, bao gồm chức vô địch US Open 1997 khi cô vượt qua một tay vợt trẻ khác, Venus Williams ở trận chung kết. Hingis giành Grand Slam đơn cuối cùng vào năm 18 tuổi trước khi tập trung sự nghiệp cho các nội dung đôi.

“Bạn không thể cản trở bước tiên tự nhiên của tay vợt”, Mouratoglou phân tích: “Vài tay vợt chơi thứ tennis tốt nhất khi 30 tuổi, người khác lại sớm vươn lên đỉnh cao khi 16 tuổi. Không có ai giống nhau và sự khác biệt đó cần được tôn trọng”.

Một số huyền thoại của quần vợt nữ như Martina Navratilova, Lindsay Davenport cũng muốn gỡ bỏ điều luật này, cho rằng WTA nên học theo quần vợt nam với không có bất kỳ giới hạn nào về tuổi tác.

“Hạn chế số lượng giải đấu có lẽ còn làm các tay vợt trẻ áp lực hơn bởi thành tích thi đấu. Họ có thể nâng cao kinh nghiệm bằng những trận đấu tập như một cách khắc phục, song rõ ràng hiệu quả sẽ không thể như tham dự tour đấu thực sự”, cựu số 1 thế giới Davenport thể hiện quan điểm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm