Phải thừa nhận là chúng ta đã nghe đến cụm từ trên không biết bao nhiêu lần, ở những ngữ cảnh khác nhau nhưng trong thế giới quần vợt, cái ngày đó sẽ không còn xa nữa khi lời tiên tri “người khổng lồ tỉnh giấc” trở thành sự thật.
Nói gì thì nói, châu Á cũng là quê hương của 4,5 tỉ người trong số hơn 7 tỉ người trên cả thế giới và tại đây, mọi môn thể thao, từ bóng đá đến đua xe Công thức 1, đều nỗ lực thoát khỏi vùng trũng.
Quần vợt vì thế cũng không phải là ngoại lệ.
Năm 1993, khi Dubai tổ chức giải ATP Tour đầu tiên, ở châu Á mới có 12 giải ATP Tour và trong số này có 2 giải thuộc 250 events, nghĩa là những giải đấu mà các ngôi sao hàng đầu hiếm khi có mặt.
Năm đó, WTA có 10 sự kiện ở châu Á và 5 trong số này diễn ra ở Nhật Bản. Và cũng như ATP, phần lớn các giải đều nhỏ với số tiền thưởng vỏn vẹn có 100.000 USD.
Cho đến năm nay, châu Á sẽ tổ chức 8 giải ATP và 4 trong số này là các sự kiện ATP World Tour 500 cùng một giải Masters tại Thượng Hải.
Trong khi đấy, bên WTA là Singapore (WTA Finals) và Zhuhai (WTA Elite Trophy), 2 trong 17 giải diễn ra trong năm nay ở châu Á. 2 trong số này là Premier (Dubai và’ Tokyo), 2 là Premier 5 (Doha và Wuhan) và 1 là Premier Mandatory (China Open).
Không sai khi nói rằng, thành công của cựu cây vợt người Trung Quốc là Li Na một lần nữa đã thúc đẩy quần vợt phát triển mạnh mẽ ở châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những cái tên mới như Nick Kyrgios, một cây vợt người Hy Lạp gốc Malaysia từ Australia, và tài năng trẻ người Hàn Quốc là Hyeon Chung bên giải nam đã khiến ATP Tour trở nên sôi động.
“Họ đang truyền cảm hứng cho những người khác,” Alison Lee, phó chủ tịch điều hành của International Group thuộc ATP, cơ quan giám sát các hoạt động kinh doanh của ATP ở Australia, châu Á, Trung Đông, Nga và châu Phi nói. “Giới trẻ đều muốn theo họ. Tôi nhớ trước đây Michael Chang cũng đã có nhiều fan Trung Quốc nhận ra và họ nói anh ấy đã cho chúng tôi thấy chúng tôi có thể làm được gì.”
Lại nói về Chang. Anh là cây vợt người Mỹ gốc châu Á - mẹ anh sinh ở Ấn Độ, cha anh là người Trung Quốc - từng giành danh hiệu French Open vào năm 1989 ở tuổi 17 và 4 tháng, qua đó trở thành cây vợt trẻ nhất vô địch một giải Grand Slam của nam.
Thành công của Chang đã thúc đẩy quần vợt châu Á phát triển mạnh vào khi đó nhưng cho đến giờ, châu Á vẫn đang chờ đợi một cây vợt nam đầu tiên có thể chiến thắng ở Grand Slam.
Đúng hơn thì Kei Nishikori của Nhật Bản suýt thành công sau khi anh để thua Marin Cilic trong trận chung kết US Open năm 2014 và sự thực là Nishikori có thể trở thành cây vợt nam châu Á đầu tiên giành được một danh hiệu Grand Slam nếu anh không chấn thương và tập trung hơn.
Nhìn lại thì 20 năm trước, ở tuần đầu tiên của năm 1996, chỉ có một cây vợt châu Á - Shuzo Matsuoka của Nhật Bản - đứng trong top 100 của ATP. Còn tuần này, con số đó đã là 8. Hay ở bảng xếp hạng ITF trẻ, có đến 15 cậu bé của châu Á trong top 100.
Ai dám bảo rằng, tương lai không thuộc về quần vợt châu Á?