Phân tích bí mật thống trị làng tennis của Big-3

Tiểu Phàm
thứ hai 9-11-2020 10:00:33 +07:00 0 bình luận
Novak Djokovic gục ngã tại Vienna Open tuần trước, đến lượt Rafael Nadal bại trận ở Paris Masters tuần này. Bí mật thống trị làng tennis của Big-3 lộ ra từ đây.

Cách nay 1 tuần, Novak Djokovic gục ngã tại Vienna Open. Cuối tuần qua, đến lượt Rafael Nadal bại trận ở Paris Masters. Những cú ngã này có gì trùng hợp?

Sự trùng hợp là cả hai tay vợt hàng đầu thế giới đều không có bao nhiêu ngôi vô địch ở những giải này: Djokovic được 1 lần đăng quang tại thủ đô Áo năm 2007, Nadal thậm chí chưa từng vô địch Paris Masters. 

Từ trái sang: Djokovic, Nadal và Federer.

Kỳ này, sở dĩ Djokovic dự Vienna Open do anh chẳng kiếm thêm điểm nào ngay cả khi bảo vệ thành công ngôi vô địch Paris Masters.

Ngược lại, Nadal chỉ có được chứ không mất khi dự Paris Masters nhằm thu hẹp khoảng cách điểm số với Djokovic.

Nói cách khác: Nếu chăm chăm dự những giải lâu lâu mới ghé tới như Vienna Open, Djokovic sẽ khó có thể duy trì vị thế trong Top 3. Và nếu giải nào cũng gặp khó như Paris Masters, Nadal sẽ có chỗ đứng trong Top 3 thế giới?

Bí mật thống trị làng tennis của Big-3 lộ ra từ đây.

Thay vì tập trung vào Paris Masters, Nadal chú trọng đến Roland Garros và lập kỷ lục thắng 13 trận chung kết liên tiếp. 

Thay vì chuẩn bị đến Vienna Open, Djokovic đầu tư sức lực cho Australian Open, nơi anh đăng quang 8 lần, tương tự số lần Roger Federer có ở Wimbledon.

Djokovic bại trận ở Vienna.

Ở những giải thấp hơn, Federer vô địch tại Halle và Basel 10 lần. Djokovic chưa từng thua tại Bắc Kinh với 6 danh hiệu và 29 trận toàn thắng.

Trên hành trình chuẩn bị cho Roland Garros, Nadal vô địch Monte Carlo 11 lần, Barcelona 11 lần và Rome 9 lần.

Những chuỗi danh hiệu đó khẳng định điều gì?

"Chiến thắng này sẽ dẫn tới chiến thắng khác," chiến lược gia Craig O’Shannessy - người từng làm việc với nhiều siêu sao như Djokovic - tuyên bố. "Chúng ta đang thấy những anh chàng đó chiến thắng ở cùng các sự kiện hết năm này đến năm khác."

O’Shannessy giải thích: "Ở Halle, Federer cam kết thi đấu liền 5 năm. Đó là sự gắn bó giữa VĐV và giải đấu. Điều đó tạo cho họ cảm giác thân thiết, từ điều kiện thi đấu cho đến sân đấu, tất tần tật."

"Đôi khi, các tay vợt cảm thấy thoải mái ở nơi này hơn nơi khác," nhà vô địch đôi Roland Garros 1993 Luke Jensen đưa ra thêm cách giải thích. "Đó có lẽ là do khách sạn, nhà hàng, do tốc độ sân đấu, thậm chí chỉ vì một gương mặt quen thuộc ở bàn lễ tân. Bất cứ thứ gì đều có thể tạo nên khác biệt lớn lao cho phong độ mà họ thể hiện."

Nadal lại thua ở Paris Masters.

Bên cạnh đó, việc tay vợt đó liên tiếp vô địch một giải sẽ buộc các giám đốc điều hành giải yêu cầu làm mọi các để người ấy hài lòng, tiếp tục tham gia bảo vệ danh hiệu. 

Ngoài ra, một tay vợt thắng nhiều giải sẽ có ưu thế hơn các đồng nghiệp do có điều kiện thuê đội ngũ khổng lồ hỗ trợ anh ta. Điều này cũng có thể là tiền đề cho thành công. 

O’Shannessy khẳng định: "Từ Roger, Rafa đến Novak, họ có khả năng thuê người để gia tăng sức mạnh hoặc độ linh hoạt. Hoặc Roger có người hàng ngày theo dõi cơ thể anh ta.

Mọi lệch lạc nhỏ xíu đều được chú ý ngay lập lức. Do đó, cơ thể anh ấy không có dấu hiệu lão hóa như nhiều người khác."

Từng làm việc với khoảng 10 tay vợt số 1 thế giới, HLV Nick Bollettieri giải thích rõ hơn: "Bây giờ các tay vợt không còn làm việc với chỉ HLV.

Quanh họ gần như là một quyển từ điển bách khoa toàn thư. Họ uống cái gì, họ ăn cái gì, mọi thứ đều được đong đếm và nghiên cứu.

Tất cả đều thay đổi hoàn toàn, từ thể chất tới tinh thần. Chăm sóc các tay vợt đã trở thành một môn khoa học."

Và quan trọng không kém, chiến thắng liên tục vừa củng cố tự tin cho tay vợt, vừa gieo rắc nỗi sợ cho đối phương. 

Bollettieri phân tích: "Federer, Nadal và Djokovic luôn nghĩ rằng họ là kẻ chinh phục. Do đó họ cố gắng chứng tỏ mình là kẻ chinh phục. Và điều đó cũng đi vào đầu các đối thủ của họ. Họ gieo rắc nỗi sợ cho đối phương."

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm