Trong một trận đấu, đặc biệt là trên mặt sân đất nện, Nadal, tay vợt nổi tiếng với sự dẻo dai, thường là người cố gắng kéo dài pha bóng để đợi thời cơ phản đòn hoặc chờ đối phương đánh hỏng. Tuy nhiên, chiến thắng trước Monfils vừa qua đã cho thấy một Nadal đa dạng hơn về mặt chiến thuật.
Áp đảo ở những cú đánh đầu tiên
Không phải những loạt đôi công dai dẳng, chính việc chủ động trong những tình huống bóng ngắn mới là chìa khóa giúp Nadal vượt qua Monfils. Theo thống kê, ở những pha bóng từ 0-4 và từ 5-9 lần chạm vợt, Nadal tỏ ra hơn hẳn Monfils khi đạt tỷ lệ ăn điểm lần lượt là 57% và 59%, trong khi những loạt rally hơn 9 lần chạm vợt, Rafa chỉ giành được 47% số điểm.
Việc thua thiệt ở khả năng đánh bền so với đối thủ buộc Nadal phải chủ động tấn công hơn, và dù ghi ít điểm hơn ở những tình huống bóng kéo dài, tay vợt người Tây Ban Nha vẫn tạm hài lòng bởi phần lớn điểm số (khoảng 90%) được kết thúc dưới 9 lần chạm vợt.
Vị trí đánh bóng
Theo dõi trận đấu, có cảm giác như Nadal đứng sâu hơn Monfils ở vạch cuối sân (baseline). Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, Nadal thực hiện nhiều cú đánh trong sân hơn (18% so với 9% của Monfils). Trong khoảng 2m của baseline, Nadal cũng có tỷ lệ đánh bóng nhỉnh hơn Monfils (53% so với 45%). Điều này giúp cho “Bò tót” Rafa có nhiều cơ hội mở rộng góc đánh để thực hiện những cú đoa nặng nhưng vẫn nắn chỉnh được hướng bóng.
Càng đẩy lùi đối thủ ra xa sân đấu, khả năng phản đòn của tay vợt đó càng yếu hơn. Đó chính xác là những gì mà cả 2 tay vợt đã cố gắng thực hiện trong trận, khi mà không ít lần 2 tay vợt phải thực hiện những cú đánh cách vạch cuối sân đến 2m. Điểm khác biệt đến từ việc Nadal thực hiện được nhiều pha đánh bóng ở gần baseline hơn Monfils.
Cú phải tay
Khi Nadal thực sự là “Nadal” vài năm trước đây, tay vợt 29 tuổi luôn cố gắng tận dụng tối đa cú thuận để khiến đối phương lùi sâu, mở rộng kiểm soát ở khu vực baseline. Trận chung kết vừa rồi là một ví dụ như vậy với 57% cú đánh của Nadal đến từ những pha bóng thuận tay.
Rafa trong trận cũng mắc ít lỗi tự đánh hỏng hơn so với Monfils (36 so với 51), điều này giải thích vì sao những cú thuận tay của Monfils tuy có vận tốc cao hơn Nadal (127 km/h so với 121km/h) nhưng lại không giúp tay vợt người Pháp chiếm ưu thế vì bóng rất dễ đi ra ngoài.
Danh hiệu thứ 9
Dù đã từng làm điều không tưởng với 8 lần lên vô địch liên tiếp từ năm 2005-2012, chức vô địch thứ 9 này tại Monte-Carlo thực sự vẫn mang lại nhiều điều cho Nadal. Không chỉ chấm dứt cơn hạn Masters 1000 từ tháng 5/2014 , cái cách chiến thắng của Nadal ở giải đấu năm nay còn mang lại cho NHM và chính bản thân tay vợt người Tây Ban Nha thêm sự tự tin và hy vọng.
Rafa khiến Stan Wawrinka đập vợt khi trận tứ kết mới chỉ diễn ra được 4 game, làm Andy Murray xả sự bất lực với việc đánh bóng vào trọng tài và buộc Monfils phải di chuyển đến mức chấn thương ở đầu gối bộc phát.
Rafael Nadal đã trở lại đúng vào thời điểm quan trọng nhất, và Novak Djokovic, hãy cẩn thận!
Với chiến thắng tại Monte Carlo, Rafael Nadal cùng với Novak Djokovic là 2 tay vợt sở hữu nhiều chức vô địch Masters 1000 nhất với 28 danh hiệu. Tính riêng trên mặt sân đất nện, Nadal đã có được tổng cộng 48 chức vô địch và chỉ còn kém người đứng đầu, huyền thoại Guillermo Vilas 1 danh hiệu nữa.
* Video Rafael Nadal 2-1 Gael Monfils: