(Thethao24.tv) – Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Roger Federer đã có giấc mơ trở thành tay vợt số 1 thế giới. Nó giống như một nỗi ám ảnh và là cái đích để Federer hướng tới trong tương lai.
Roger Federer thần tượng đầu tiên với Boris Becker (người bây giờ là HLV của Novak Djokovic – TS) ngay từ khi được xem huyền thoại người Đức vô địch Wimbledon 1985 và trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử đăng quang tại giải Grand Slam trên mặt sân cỏ khi mới 17 tuổi. Federer đã khóc hết nước mắt khi phải chứng kiến Becker gục ngã trong hai trận chung kết Wimbledon 1988 và 1990 trước kỳ phùng địch thủ Stefan Edberg (bây giờ là HLV của chính Federer – TS). Không có nhiều cậu bé ở tuổi đó ghi nhớ những chi tiết về môn thể thao như tennis và dành vài giờ đồng hồ chỉ để xem tennis thay vì những bộ phim hoạt hình.
Bạn thân của Federer là Marco Chiudinelli (cùng sinh năm 1981 và vừa cùng Federer vô địch Davis Cup 2014 – TS) kể lại những ký ức nghịch ngợm của cả hai và không ít lần bị các HLV phạt. Trên sân tập, Federer thua tất cả mọi người và có vẻ như không chú tâm vào luyện tập. Nhưng khi bước vào trận đấu thực sự, Federer hoàn toàn là một con người khác. Cậu bé muốn giành chiến thắng và nỗ lực hết sức mình để đạt được điều ấy.
Người thầy đầu tiên của Federer có thể nhắc tới Adolf Kacovsky, một huấn luyện viên người Tiệp Khắc cũ. Ông ngay lập tức chú ý tới tài năng bẩm sinh của Federer, đặc biệt khi cậu bé tiếp thu rất nhanh những bài học mà những người bạn phải mất hàng tuần mới làm được. Nhưng chính Kacovsky cũng chưa bao giờ tin Federer sẽ trở thành số 1 thế giới, vì ông chỉ nghĩ Federer sẽ là số 1 Thụy Sĩ hay châu Âu mà thôi. Nhưng dù sao giấc mơ ấy của cậu bé Roger cũng khác biệt so với những người bạn cùng trang lứa.
Dù vậy sự nghiệp thi đấu của Federer tại câu lạc bộ quần vợt Old Boys lại bắt đầu bằng một trận thảm bại. Khi 8 tuổi, Roger thua một trận đấu cả hai set cùng tỷ số 0-6 trước một đối thủ cao lớn hơn mình và cậu đã khóc ngay sau trận đấu. Và cho tới 11 tuổi, dù Federer đi tới nhiều vòng bán kết các giải trẻ ở Basel thì cậu phải thường phải nhận những thất bại. Một phần vì lối chơi tấn công mạo hiểm đến quyết liệt nhưng chưa đủ độ chính xác để có thể đánh bại đối thủ, một phần vì Federer vẫn là cậu bé nóng nảy chưa biết kiềm chế.
“Tôi thường liên tục nguyền rủa bản thân và quăng vợt. Bố mẹ xấu hổ vì tôi và từng cảnh cáo rằng họ sẽ không xem tôi thi đấu nữa. Tôi muốn bình tĩnh nhưng không đơn giản. Tôi lúc nào cũng muốn mình hoàn hảo hơn nữa,” Federer nói.
Đó cũng là lý do vì sao Federer chọn tennis chứ không phải bóng đá. Roger cũng là một chân sút cừ khôi khi chơi bóng và được lựa chọn vào đội tuyển thiếu niên ở Basel. Nhưng cuối cùng Roger vẫn chọn tennis, bởi vì đó là môn thể thao mà cậu có thể tự quyết định thắng hay thua, thay vì kết hợp với đồng đội như bóng đá. Điều đó có lẽ phù hợp hơn trong một chặng đường dài, thay vì chỉ là ngôi sao của một trận bóng. Khi 13 tuổi, Federer luôn mang trong đầu suy nghĩ làm thế nào để trở thành tay vợt số 1 Thụy Sĩ và lọt vào tốp 100 thế giới. Trình độ và thứ hạng giúp cậu bé tham dự ở những giải thiếu niên quốc tế. Và giờ Roger cũng thần tượng cả Edberg.
Nhưng bước ngoặt đến với Federer vào mùa đông năm 1994, khi chương trình “Tennis Etudes” được tài trợ bởi Liên đoàn quần vợt Thụy Sĩ xuất hiện. Tám cậu bé và bốn cô bé sẽ tập luyện ở Trung tâm quần vợt quốc gia bên hồ Geneva, ở đó họ sẽ được huấn luyện bởi những huấn luyện viên có trình độ. Những học viên có thể lựa chọn sống với những gia đình trong vùng và cũng có thể đi học ở các trường công và họ sẽ được miễn một số môn. Một trong những nhân vật trung tâm của chương trình này là Pierre Paganini, người sau này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của Federer. Là một cựu vận động viên 10 môn phối hợp và cựu giáo viên thể thao ở trường cao đẳng, Paganini là huấn luyện viên thể lực và là giám đốc điều hành ở Ecublens.
Và chính ông đã giúp tạo nên một Federer “bất tử” khi chưa bao giờ anh bỏ cuộc giữa chừng ở một trận đấu chuyên nghiệp và gần như rất ít khi gặp chấn thương suốt sự nghiệp.
LI NA