Nguồn gốc tên gọi Grand Slam trong tennis

thứ năm 19-5-2016 22:48:47 +07:00 0 bình luận
Có bao giờ bạn thắc mắc, vì sao 4 danh hiệu lớn nhất trong quần vợt được gọi là Grand Slam?

Bắt nguồn từ trò… đánh bài

“Grand Slam” trong tennis có nguồn gốc từ trò đánh bài “bridge” ở phương Tây. Ra đời từ thế kỷ 19, Vương quốc Anh được cho là nơi sản sinh ra trò chơi bài bridge, nhưng cũng có nhiều ý cho rằng nó “xuất thân” từ nước Nga. Đây là một trong những trò chơi phổ biến nhất ở Mỹ và Anh những năm 30 của thế kỷ trước.

Grand Slam là thuật ngữ trong chơi bài bridge

Grand Slam là thuật ngữ trong chơi bài bridge

Bài bridge sử dụng bộ bài 52 cây, có 4 người chơi, 2 người ngồi đối diện nhau là 1 đội. 52 cây chia đều cho 4 người (13 lá) và chơi theo nguyên tắc “ăn nước” (trick-taking). Hiểu một cách đơn giản nhất, bên nào càng ăn nhiều nước, ghi được nhiều điểm hơn thì bên đó thắng. Sau 1 ván bài, nếu một đội ăn được cả 13 vòng thì được gọi là thắng “Grand Slam”.

Cùng với cờ vua, bài bridge là 2 môn duy nhất được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là môn thể thao trí tuệ dù vẫn chưa có môn nào có trong chương trình thi đấu. Liên đoàn Bridge thế giới (WBF) được thành lập năm 1958 với khoảng 700.000 thành viên từ 123 tổ chức Bridge ở mỗi quốc gia. Tai SEA Games 26 năm 2011, bài Bridge là là môn thi đấu chính thức với 4 nước tham dự là chủ nhà Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Người mang Grand Slam vào trong quần vợt

Như chúng ta đã biết, 4 giải đấu lớn nhất trong 1 năm của quần vợt hiện nay là Australian Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open. Dù lịch sử các giải đấu đã có từ rất lâu (như Wimbledon lần đầu tổ chức năm 1877) nhưng phải đến năm 1925, khi mà Roland Garros cho phép các VĐV nước ngoài tham dự, đó mới được coi như thời điểm “Grand Slam” ra đời. Vậy, ai là người đã mang cụm từ đó vào trong tennis?

Đã có một sự nhầm lẫn trong thời gian dài về người đã lần đầu tiên áp dụng thuật ngữ “Grand Slam” vào môn quần vợt. Trong một bài báo vào tháng 10/1933, John Francis Kieran (1892 – 1981), cây bút thể thao của tờ New York Times,nói: “Nếu Crawford (tay vợt đã giành 3 danh hiệu lớn vào năm 1933) thắng, điều đó như là ghi một cú ‘Grand Slam’ trên sân quần vậy”.

Trang số 10 của tờ Reading Eagle số ra ngày 18/07/1933

Trang số 10 của tờ Reading Eagle số ra ngày 18/07/1933

Tuy nhiên, Kieran chỉ là người thứ 2 dùng cụm từ này. Thực tế, Alan Gould, BTV thể thao của Reading Eagle, mới đúng là người đầu tiên dùng thuật ngữ của bài bridge vào quần vợt. Chính xác là số báo ngày 18/07/1933, Agould viết trên cột thể thao “Sport Slants” với nội dung: “Crawford, ĐKVĐ những giải đấu ở Australia, Pháp và Anh, có cơ hội giành ‘Grand Slam’ nếu thắng tiếp giải VĐ Mỹ ở Forest Hills vào tháng 9”. Đây là tin ngắn được viết ngay sau khi Crawford vô địch Wimbledon và đứng trước cơ hội trở thành người đầu tiên giành 4 danh hiệu lớn trong 1 năm.

Người có công phát hiện ra Alan Gould chính là nhà báo, BLV huyền thoại Bud Collins, ông được mệnh danh là “Google của tennis”. Trong cuốn sách “Lịch sử tennis” phát hành năm 2008, Collins ngụ ý sự nhầm lẫn trên là vì bài viết của Kieran được đăng trên tờ báo lớn New York Times nên nhiều người biết hơn, trong khi Gould thì ít nổi tiếng hơn khi làm việc tại tờ địa phương ở Pennsylvania.

Trước đó, vào năm 1930, trong thể thao có môn golf cũng dùng ‘Grand Slam’ để miêu tả chiến tích giành 4 danh hiệu lớn của Bobby Jone trong một mùa giải.

Hiểu Grand Slam thế nào cho đúng?

Năm 1982, Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) đưa ra định nghĩa về ‘Grand Slam’: “Danh hiệu Grand Slam là chức vô địch tại các giải đấu ở Australia, Pháp, Mỹ và Wimbledon. Những tay vợt là ĐKVĐ của 4 giải đấu cùng lúc được gọi là giành Grand Slam”.

Don Budge là tay vợt đầu tiên giành Grand Slam

Don Budge là tay vợt đầu tiên giành Grand Slam

Đây là định nghĩa có chút khác biệt so với cách hiểu sơ khai về Grand Slam, khi không yêu cầu cả 4 danh hiệu đạt được đến cùng một năm dương lịch. Nghĩa là kể cả khi vô địch 4 giải trong vòng 2 năm, như vậy vẫn được gọi là “giành Grand Slam”.

Điều này đã vấp phải sự phản đối vô cùng mạnh mẽ của thế giới tennis. Sau nhiều tranh cãi không hồi kết, ITF cuối cùng đã chịu nhượng bộ khi gỡ bỏ định nghĩa mới để quay lại với truyền thống cũ và đặt ra định nghĩa mới cho những tay vợt giành 4 danh hiệu lớn không cùng 1 năm là “Non-calender year Grand Slam”.

Kết luận: Nếu xét câu chữ đơn thuần, khi một tay vợt chiến thắng tại Australian Open, Roland Garros, Wimbledon hay US Open không thể coi là vô địch Grand Slam vìvề lý thuyết, đó là cách gọi cho tay vợt giành được cả 4 danh hiệu trong 1 năm dương lịch.

Hiện nay, chỉ có 5 tay vợt giành được Grand Slam (4 danh hiệu lớn trong 1 năm), đó là: Don Budge (1938), Maureen Connolly (1953), Rod Laver (1962/69), Margaret Court (1970) và Steffi Graf (1988).

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm