Điều thú vị vào cuối buổi họp báo của trận chung kết đơn nam Roland Garros 2022 là một phóng viên đã hỏi Rafael Nadal làm thế nào để lật ngược tình thế sau khi bị Casper Ruud dẫn trước 3-1 ở set 2. Kỷ lục gia 14 lần vô địch Pháp mở rộng qua 14 trận chung kết toàn thắng đã mỉm cười: "Cám ơn bạn có câu hỏi về quần vợt!".
Bởi trước đó, mối bận tâm của truyền thông quốc tế đều nhằm vào chấn thương bàn chân trái mãn tính (hội chứng Muller-Weiss) của Nadal, cũng như muốn biết cách điều trị “khắc nghiệt” mà anh ấy đã dùng để vượt qua cơn đau bằng cách gây tê cục bộ trong mỗi trận đấu.
Lão tướng Tây Ban Nha không tiết lộ cụ thể số lần anh phải tiêm thuốc giảm đau tại Paris, nhưng cho biết thử làm tất cả chỉ để được tiếp tục thi đấu, thậm chí còn sẵn sàng cho đốt 2 dây thần kinh ở bàn chân trái vào tuần sau, ngay cả khi phương pháp này không đảm bảo đem đến cho anh thành công.
Trên truyền hình, Nadal đã dùng một từ thật khôn ngoan để mô tả tình trạng chấn thương của anh: "bàn chân ngủ". Anh cho gây tê bàn chân mình "giống như ở phòng nha, các bạn không cảm nhận được răng của mình".
Thông thường, hiếm ai dám liều như Nadal. Biện pháp giảm đau truyền thống chỉ là tiêm cortisone, vốn thường được coi như loại thuốc giảm đau tốt nhất dành cho các vận động viên đỉnh cao phải thi đấu với chấn thương hay gặp.
“Tôi chỉ có thể thi đấu vì những mũi tiêm đó đã lấy đi tất cả cảm giác ở chân của tôi”, anh thừa nhận. Lý do Nadal đã nói nhiều lần rằng anh ấy “không thể tiếp tục như thế này” là vì đây không phải giải pháp lâu dài.
Cảnh tượng Alexander Zverev quằn quại trong đau đớn sau chấn thương nặng ở mắt cá chân phải là một trong những hình ảnh sẽ còn đọng lại rất lâu từ Pháp mở rộng lần này. Rafael Nadal đã chơi cả 2 tuần qua trong bối cảnh biết rằng điều này có thể xảy ra với anh ấy.
"Để giảm cảm giác đau là một mạo hiểm to lớn, vì tăng nguy cơ bị lật mắt cá chân...", Nadal giải thích. "Nhưng Roland Garros là Roland Garros. Mọi người đều biết giải này có ý nghĩa với tôi như thế nào. Vì vậy tôi muốn thử và chơi một phiếu.
Tôi không biết cách nào để cảm ơn bác sĩ của mình về tất cả những gì ông ấy đã làm trong suốt sự nghiệp tennis của tôi, giúp tôi ở mọi thời khắc cam go nhất. Nhưng rõ ràng tôi không thể tiếp tục thi đấu với bàn chân say ngủ".
Nadal khẳng định việc điều trị bằng thuốc gây mê (tiêm vài mũi mỗi trận kết hợp với thuốc chống viêm) như vừa qua không có khả năng làm cơn đau trầm trọng thêm. Vấn đề thật ra nằm ở việc thiếu cảm giác tại bàn chân, khiến anh không thể cảm nhận được những triệu chứng nguy hiểm như hạ huyết áp.
Để có thể thi đấu thêm vài mùa nữa, Nadal đang có một kế hoạch được chia làm 2 phần. Ở phần đầu, anh dự định thử nghiệm phương thức điều trị mới bằng cách đốt 2 dây thần kinh ở bàn chân để tạo cảm giác tê dai dẳng mà không cần phải tiêm thuốc. Nếu phương pháp điều trị cục bộ này không hiệu quả, Nadal sẽ cân nhắc việc lên bàn mổ.
“Tôi không biết nói chính xác về phương pháp điều trị, nhưng tôi sẽ tiêm liên tục vào dây thần kinh và cố gắng đốt cháy dây thần kinh đó một chút, tạo ra tác động mà tôi đang có đối với dây thần kinh trong một thời gian dài. Nếu điều đó hiệu quả, tôi sẽ tiếp tục. Nếu điều đó không hiệu quả, đó sẽ là một câu chuyện khác.
Sau đó tôi phải tự trả lời cho chính mình, tôi phải tự hỏi bản thân xem liệu tôi có sẵn sàng làm một việc lớn mà không chắc rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng cách hay không, chẳng hạn như một cuộc đại phẫu không đảm bảo tôi có thể thi đấu trở lại và sẽ mất một thời gian dài để hồi phục. Vì vậy, hãy làm từng bước một, như tôi đã làm trong suốt sự nghiệp quần vợt của mình", Nadal phân tích.
Rafael Nadal chưa quyết định có dự Wimbledon diễn ra từ 27/6-10/7/2022 hay không: "Tôi sẽ đến Wimbledon nếu cơ thể tôi sẵn sàng cho Wimbledon. Wimbledon không phải giải đấu mà tôi muốn bỏ qua. Tôi nghĩ rằng không ai muốn bỏ lỡ Wimbledon. Vì vậy, nếu hỏi tôi có dự Wimbledon không, tôi chưa thể đưa ra câu trả lời rõ ràng".