Có thể giải thích tại sao Novak Djokovic không muốn tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Ở Việt Nam, hầu như trẻ nhỏ nào cũng đều phải được chích ngừa phòng lao. Lợi ích thì khỏi bàn, vì theo đánh giá của một số chuyên gia y tế thế giới, tình hình COVID-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt phần nào còn nhờ chính sách tiêm phòng này. Chỉ có điều là sau khi tiêm xong, chỗ bị tiêm sẽ để lại sẹo. To hay nhỏ, mờ hoặc rõ tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.
Novak Djokovic không thích thế. Vì vậy, tay vợt số 1 thế giới ATP phản đối ý tưởng buộc phải tiêm vắc xin mới được ra nước ngoài thi đấu. Trên thực tế, ngôi sao Serbia đã xuất ngoại ngay từ đầu năm 2020 để dự ATP Cup tại Úc, tiếp đến là Australian Open cũng trong tháng Giêng ở xứ sở chuột túi khi giành Grand Slam thứ 17 trong sự nghiệp và có chuỗi 18 chiến thắng liên tiếp trước lúc COVID-19 "đóng băng" làng quần vợt.
Djokovic tuyên bố: "Bản thân tôi chống lại việc tiêm vắc xin và không muốn bị buộc tiêm vắc xin để ra nước ngoài thi đấu. Nhưng nếu điều đó trở thành bắt buộc? Tôi cần phải đưa ra quyết định. Tôi có suy nghĩ riêng của mình về việc này và liệu suy nghĩ đó có thay đổi hay không thì tôi chưa rõ.
Giả sử như mùa này được tiếp tục từ tháng 7, 8 hoặc 9, dù khả năng đó không cao, tôi hiểu rằng tiêm vắc xin là yêu cầu thực hiện ngay sau khi chúng ta vừa chấm dứt tình trạng cách ly. Nhưng hiện vẫn chưa có vắc xin."
Hồi tháng trước, cựu số 1 đơn nữ WTA Amelie Mauresmo tửng cho rằng phần còn lại của mùa 2020 sẽ bị hủy, vì không nên tổ chức thi đấu trước lúc các tay vợt được tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19. Song song đó, các chuyên gia y tế cho biết phải đợi đến năm sau mới có vắc xin ngừa COVID-19.
Cho tới nay, các giải quần vợt đã bị đình chỉ cho tới ngày 13/7. Rogers Cup của nữ dự kiến vào tháng 8 đã bị hủy. Wimbledon cũng bị hủy. Roland Garros lùi đến 20/9-4/10 thay vì 24/5-7/6.