Li Na – Tay vợt châu Á duy nhất từng giành Grand Slam ở cả nội dung đơn nam và đơn nữ.
Kei Nishikori đã làm rạng danh quần vợt châu Á khi hạ gục Novak Djokovic ở bán kết US Open 2014 và trở thành tay vợt nam đầu tiên trong lịch sử quần vợt châu Á đi tới chung kết một giải Grand Slam. Nhưng trong trận chung kết, tay vợt người Nhật Bản đã không thể tiếp tục làm nên kỳ tích, sau thất bại trước đối thủ người Croatia Marin Cilic cả 3 set cùng tỷ số 3-6. Cilic với chiều cao 1m98, có cú giao bóng cực mạnh đã có lợi thế hơn nhiều so với Nishikori, trong một ngày thăng hoa trên mặt sân cứng. Nhưng nếu hôm đó là sân đất nện, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Trên mặt sân đất nện vài mùa giải qua, Nishikori thi đấu tiến bộ trông thấy và suýt nữa từng đánh bại “Vua đất nện” Rafael Nadal ở chung kết Madrid Open 2014 nếu không bị chấn thương.
Nishikori – tay vợt nam duy nhất của châu Á từng đi tới chung kết Grand Slam.
Mặt sân đất nện có lẽ thích hợp hơn với những tay vợt châu Á vốn không có chiều cao vượt trội như những tay vợt châu Âu. Và trên mặt sân đất nện bóng nảy cao và chậm, những cú giao bóng như búa bổ không phải là thứ vũ khí không thể không hóa giải. Tiếc một điều rằng sân đất nện không có nhiều ở châu Á, thậm chí có thể nói là không có, vì đặc tính khí hậu không thích hợp với đất nện, hoặc vì người ta đã xây dựng quá nhiều sân cứng và không muốn thay đổi.
Và có một thống kê đáng chú ý: Chưa có tay vợt nào cao hơn 1m9 mà lại vô địch nữ tại Grand Slam, và cũng chưa thấy ai cao hơn 2m lại lên ngôi ở nam trong hệ thống Grand Slam. Thi thoảng có những tay vợt cao tới 1m97 hay 1m98 kiểu Juan Martin del Potro và Marin Cilic đã từng vô địch. Nhưng thấp hơn ở mức chiều cao từ 1m7 đến 1m85 luôn là những nhà vô địch Grand Slam vĩ đại. Đó là chiều cao mà quần vợt châu Á hoàn toàn có thể đạt được chuẩn mực.
Tay vợt nam châu Á chưa từng vô địch Grand Slam, nhưng gốc Á thì đã có Michael Chang. Cựu tay vợt gốc Đài Loan vẫn đang giữ kỷ lục là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử vô địch một giải Grand Slam và đặc biệt đó là Roland Garros 1989 khi ông mới 17 tuổi 4 tháng. Chang cũng chỉ cao có 1m75.
Tay vợt nữ châu Á đầu tiên và cũng là duy nhất đến lúc này từng vô địch Grand Slam là Li Na. Cô cao 1m72 và đã vô địch Australian Open 2014 trước khi giải nghệ vào tháng 9 cùng năm, nhưng trước đó, Li Na cũng lần đầu vô địch Grand Slam tại Roland Garros 2011.
Điều đó có nghĩa là những tay vợt thấp bé nhẹ cân vẫn có thể trở thành nhà vô địch Grand Slam, và cái đích hướng tới có lẽ là sân đất nện ở Roland Garros. Các chuyên gia đã đánh giá rằng để hoàn thiện những cú quả trong tennis thì nên tập luyện ở sân bóng chậm nảy cao như Roland Garros trước khi nghĩ tới những mặt sân khác.
Và hẳn điều đó giúp tất cả liên tưởng tới quần vợt Tây Ban Nha, một trong những quốc gia số 1 trong làng banh nỉ nhiều năm qua với nhiều tay vợt xuất sắc. Họ không phải là những tay vợt quá cao to và có cú giao bóng mạnh như các tay vợt khác ở châu Âu hay châu Mỹ, nhưng đều xuất phát điểm là những chuyên gia đất nện.
Khi họ chinh phục được đất nện, thì cả sân cứng hay sân cỏ cũng không còn là thách thức quá lớn. Liệu quần vợt châu Á có nên thay đổi tư tưởng và định hướng về sân đất nện?
Tay vợt châu Á duy nhất từng giành Grand Slam ở cả nội dung đơn nam và đơn nữ là Li Na, còn Nishikori là tay vợt nam duy nhất của châu Á từng đi tới chung kết Grand Slam. Michael Chang vô địch Grand Slam tại Roland Garros 1989 khi mang quốc tịch Mỹ.
Quần vợt nam Tây Ban Nha hiện tại vẫn có nhiều tay vợt nhất trong Top 100 với 12 tay vợt, trong đó có tới 5 tay vợt trong Top 20. Còn quần vợt toàn châu Á, chỉ có 5 tay vợt trong Top 100 và Top 50 chỉ có một mình Nishikori.
LY NA