Tại Wimbledon, có một địa điểm mà bất cứ ai ghé thăm cũng nên một lần đặt chân tới, đó là: núi Murray...
Từ “đồi Henman"...
Tại Wimbledon, không phải khán giả nào cũng có đủ tài chính để mua một tấm vé vào sân Trung tâm theo dõi trực tiếp trận đấu. Thay vào đó, họ tập trung tại một khoảnh đất nhô cao bên ngoài để theo dõi qua màn hình lớn.
Ở đó người ta không phải tuân theo quy tắc “im lặng” mỗi khi pha bóng diễn ra như ở sân đấu, mà có thể tự nhiên thể hiện những cảm xúc mang tính con người.
Mô đất ấy từng được đặt tên nhiều lần, ban đầu là Aorangi Terrace ở thời xa xưa và sau đó là “Đồi Henman” (Henman Hill). Sở dĩ như vậy vì trong quãng thời gian gần chục năm trời, người hâm mộ Vương quốc Anh đều đặt cửa Henman sẽ giữ chức vô địch Wimbledon ở lại nước Anh.
Trước Henman, lần gần nhất mà một tay vợt của xứ sở sương mù đăng quang tại đây là huyền thoại Fred Perry với 3 chức vô địch từ năm 1934 đến 1936. Đó là là thời kỳ “mông muội” của quần vợt thế giới, còn ở kỷ nguyên Mở, chưa một tay vợt Anh quốc nào thành công trên sân nhà.
Thực tế nhiều người hâm mộ tại Vương quốc Anh đã mất tiền oan vào những cửa đặt Henman sẽ vô địch Wimbledon. Trong suốt cả sự nghiệp với 14 năm liên tiếp dự Wimbledon, Henman chỉ có thành tích tốt nhất là 4 lần đi tới bán kết.
Năm 1996, người ta đã gọi Henman là “Tiger Tim” (so sánh với ông vua golf số một thế giới Tiger Woods) sau khi anh trở thành tay vợt nam đầu tiên của Vương quốc Anh kể từ năm 1973 đi tới tứ kết Wimbledon.
Nhưng dấu ấn của Henman chỉ là những trận thua thua trước huyền thoại Pete Sampras (năm 1998 và 1999) và sau đó là những thất bại trước Goran Ivanisevic (năm 2001) và Lleyton Hewitt (năm 2002). Đau đớn hơn, những tay vợt hạ Henman ở bán kết đều sau đó trở thành nhà vô địch!
Sau này Henman khép lại sự nghiệp vào năm 2007, khi mà sở trường giao bóng - lên lưới của ông không còn đất dụng võ và Henman để thua tay vợt thuận tay trái Feliciano Lopez ở vòng hai.
… đến “núi Murray”
Sau thời của Henman, người hâm mộ đặt tên lại cho mô đất ấy thành “Núi Murray” (Murray Mountain), khi tay vợt sinh ra ở Scotland đứng trong hàng ngũ của “Big Four” và được đánh giá là tay vợt xuất sắc nhất trong lịch sử quần vợt Vương quốc Anh.
Nhưng có lúc người hâm mộ chủ nhà chỉ biết khóc, vì Murray lặp lại thành tích của bậc tiền bối khi 3 năm liên tiếp bị loại ở bán kết từ năm 2009 đến 2011. Thậm chí tới năm 2012, Murray có mặt ở chung kết nhưng lại để thua Roger Federer. Và nỗi đau ấy thêm dài khi chưa có cái tên nào đủ sức lặp lại chiến tích của bậc tiền bối Fred Perry.
Khi ấy người ta đặt lên tên “Henman Hill” thành “ Mountain Murray” như một cách động viên tinh thần của tay vợt được đánh giá là lép vế nhất trong “Big 4”. Dù sao sau bao nhiêu năm, người Anh có thể tự hào là cái nôi sản sinh ra tennis nhưng lại chấp nhận thực tế là họ không có nổi một tay vợt đủ sức vô địch Wimbledon sau hơn 7 thập kỷ.
Nhưng nỗi khắc khoải cuối cùng cũng được xua tan khi Murray vô địch Wimbledon 2013 sau chiến thắng trước Novak Djokovic. Với tay vợt trước đó để thua tới 5 trong số 6 trận chung kết Grand Slam, chiến công tại Wimbledon 4 năm trước là một điển tích trong lịch sử quần vợt Vương quốc Anh.
Sau 77 năm, với rất nhiều những thế hệ đã rơi nước mắt ở ngọn đồi mang bao hoài bão của cả một quốc gia, cuối cùng Murray cũng làm được điều mà rất nhiều những đàn anh đi trước không một lần thành công.
Murray sau đó còn lần thứ hai vô địch Wimbledon và bây giờ “đồi Henman” đã được sang tên cho “núi Murray”. Nhưng có lẽ nơi đây vẫn là một trong những phần lịch sử đặc biệt nhất mà không một người hâm mộ nào tại xứ sở sương mù có thể quên được.