Thực tế là kể từ khi giải Grand Slam lâu đời nhất, danh tiếng nhất diễn ra ở một góc tây nam London vào năm 1877, quả dâu tây đã trở thành bạn đồng hành của quần vợt. Không có gì ngạc nhiên khi sang thế kỷ 20 và 21, dâu tây vẫn gắn bó với Wimbledon, nhiều đến mức mỗi năm có tới 28 tấn được tiêu thụ chỉ trong gần hai tuần diễn ra giải.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao lại là quả dâu tây mà không phải là những loại quả khác? Câu trả lời chắc chắn là không có nhưng lời giải thích của Johnny Perkins, người phụ trách bộ phận PR của All England Club xem ra có vẻ hợp lý. “Có lẽ có hai lý do. Thứ nhất, mùa dâu tây vào đúng thời điểm Wimledon diễn ra và ở thời nữ hoàng Victoria, quả dâu tây đã trở thành loại quả được ưa chuộng”, Perkins nói. “Chúng có mặt trong những tiệc trà chiều và dần cắm rễ ở Wimbledon”.
Lý do thứ hai cũng giải thích tại sao những giỏ dâu tây có giá 3,9 USD được trồng ở phía nam Kent là đồ ăn không thể thiếu của người Anh một khi đã đến Wimbledon và trở thành một phần truyền thống của giải, bên cạnh những bức tường phủ đầy cây thường xuân và các cây vợt bắt buộc phải mặc đồ trắng. Thậm chí, nhiều người tới Wimbledon xem quần vợt như ngồi trong một khu vườn và dưới ánh nắng hè, được thư giãn như vậy với họ thật chẳng có gì tuyệt vời hơn.
Theo Perkins, một trong những điều khiến dâu tây ở Wimbledon ngon là dù hoa quả xuất hiện quanh năm nhưng dâu tây tại đây rất tươi và mới. Chúng được thu hoạch vào lúc 4 giờ sáng và được đưa tới Wimbledon khoảng 11 giờ, trước lúc đến tay khán giả hay khách du lịch.
Nói chung, tổ hợp All England Club giờ là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất tại London vì khách du lịch đều muốn thăm bảo tàng, tận mắt nhìn thấy sân Centre Court nổi tiếng nhất ở đây. Phần nào thì người Anh đang dần biến Wimbledon giống như một ngôi vườn rực rỡ màu sắc với sự kết hợp của nhiều loại cây được trồng xung quanh dù nếu nhìn lại Wimbledon của những năm 1930, thời Fred Perry là cây vợt người Anh cuối cùng vô địch vào năm 1936 cho đến khi Andy Murray thành công gần đây, Wimbledon được xem đã tiếp cận sớm với không gian xanh.
Cũng vì thế mà trong cuốn Courts of Babylon năm 1995 của mình, tác giả Peter Bodo viết về Wimbledon như sau: “Công chúng không bao giờ thấy chán dâu tây và kem… Mọi người thích Wimbledon như cách họ thích quần jeans vậy…”
Mặc dù thế, năm 1907, GW Hillyard, cây vợt từng 6 lần vô địch Wimbledon, sau khi thua ở bán kết vì ăn dâu tây trong lúc trận đấu tạm hoãn vì mưa đã phàn nàn lên ban tổ chức về cái gọi là “bữa tiệc trà kinh khủng”. Rất may là chẳng có ai nghe lời bà và bỏ đi một trong những đặc sản của Wimbledon.
Trong gần 2 tuần diễn ra Wimbledon, 28 tấn dâu tây, 7.000 lít kem, 135.000 khẩu phần kem, 32.000 khẩu phần cá và khoai tây, 15.000 quả chuối… được tiêu thụ.
MẠNH HÀO