Sân cỏ Wimbledon kể từ đầu những năm 2000 đã không còn là đất diễn của phong cách “serve & volley” cổ điển nữa...
Năm 2001 tại Wimbledon, Goran Ivanisevic trở thành hiện tượng kỳ thú của quần vợt thế giới khi trở thành tay vợt đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này vô địch một giải Grand Slam nhờ suất đặc cách (wildcard).
Lối chơi của Ivanisevic cũng không cầu kỳ, chủ yếu sử dụng sở trường giao bóng và sau đó tràn lưới tấn công đúng theo phong cách “serve & volley” cổ điển. Nhưng cũng chính cựu tay vợt người Croatia là người gần nhất thành công tại Wimbledon nhờ lối chơi này, sau một kỷ nguyên lẫy lừng của huyền thoại “serve & volley” Pete Sampras.
Cho đến trước năm 2001, mặt sân cỏ tại Wimbledon được trồng theo công thức pha trộn với tỉ lệ 70% “ryegrass” (Cỏ lùng) và 30% “creeping red fescue” (Cỏ đuôi trâu đỏ), tạo nên một mặt sân mềm khiến bóng nảy thấp và khó đoán. Điều đó giúp cho Wimbledon trở thành đất diễn cho lối đánh tấn công giao bóng lên lưới hay ghi điểm nhanh chóng bằng rất nhiều cú ace.
Nhưng khi mà công nghệ vợt và dây vợt ngày càng phát triển, cộng thêm sự tiến hóa không ngừng của những tay vợt với nền tảng thể lực dồi dào, mặt sân cỏ Wimbledon khó có thể chịu đựng bởi sự giày xéo trong mỗi bước chạy.
Vậy là từ năm 2001, người ta sử dụng loại đất sét pha cát và 100% loại cỏ lùng có thể dùng lâu năm “perennial ryegrass”với độ bền hơn hẳn và cũng không nhanh chóng bị phá hỏng trong 2 tuần diễn ra Wimbledon.
Loại cỏ lùng lâu năm này có đặc tính mọc theo phương thẳng đứng và bộ rễ ngày càng dày đặc khi được tưới 13.000 lít nước và chăm bẵm trong suốt gần nửa tháng giải đấu diễn ra.
Và với nhiều tay vợt, đặc biệt như Rafael Nadal từng nói, sống sót qua 1 tuần tại Wimbledon để bước vào tuần thứ hai, mặt sân sẽ ngày càng cứng hơn và bóng nảy chậm hơn, cao hơn, vô tình sẽ triệt tiêu đi sức mạnh của những tay vợt “serve & volley” cổ điển.
Phải chăng đó là lý do vì sao từ năm 2002 đến nay, những nhà vô địch Wimbledon không phải là những tay vợt giao bóng lên lưới thuần chủng?
Ngoại trừ Lleyton Hewitt năm 2002, Roger Federer với 7 lần vô địch, Novak Djokovic có 3 lần đăng quang, còn lại 4 chiếc cúp chia đều cho Rafael Nadal và Andy Murray.
Những tay vợt ấy, không chỉ có mỗi vũ khí “serve & volley”, mà còn phải là những quái kiệt ở cuối sân mới có thể chinh phục được đỉnh vinh quang. Hay nói cách khác, để vô địch Wimbledon hiện tại, tay vợt đó phải là một hình mẫu toàn diện về lối chơi và kỹ chiến thuật.
Bây giờ mặt sân tại Wimbledon đã rất khác từ khi sử dụng mặt cỏ mới vào năm 2001. Trước năm 2000, mặt sân Flushing Meadows ở US Open thường được xếp vào hạng “trung bình” giữa sân Roland Garros và Wimbledon (chậm nhất và nhanh nhất), còn đến năm 2007, ITF chính thức xếp sân cỏ Wimbledon ở vị trí trung gian giữa sân của người Pháp và người Mỹ, nếu xét về mặt chậm, nhanh.
Vậy nên ban tổ chức Wimbledon không còn sợ mặt cỏ bị hư hỏng quá nhiều bởi những bước chân của các tay vợt. Họ chỉ sợ những con… cáo cái. Vì vị khách không được chào đón này có thói quen xâm nhập các sân đấu lúc ban đêm và xả nước tiểu cực kỳ độc hại làm hỏng mặt cỏ.
Và bao năm qua ban tổ chức giải đầu đã phải đau đầu đến mức lập luôn cả đội bảo vệ canh phòng và xua đuổi chúng để giữ gìn mặt sân trước và trong suốt thời gian diễn ra Wimbledon.