Giám đốc tổ chức Australian Open, Craig Tiley, từng tấm tắc giới thiệu mặt sân tại Australian Open là tốt nhất và công bằng nhất so với mọi sân đấu trên thế giới. Nếu như sân đất nện ở Roland Garros bóng nảy chậm, sân cỏ ở Wimbledon nảy nhanh và đổi hướng, còn sân cứng ở US Open nảy rất nhanh, thì sân cứng ở Australian Open trung hòa tất cả. Nghĩa là bóng nảy nhanh vừa phải để các tay vợt dù không phải là chuyên gia sân cứng cũng có thể thi đấu hết khả năng.
Nhưng kể từ ngày 30/7/2007, khi ban tổ chức Australian Open tuyên bố thay thế mặt sân cứng loại Rebound Ace sang sân cứng loại Plexicushion, lịch sử quần vợt đã thay đổi. Công bằng hay không, chỉ có những người trong cuộc mới có câu trả lời. Dù vậy với nhiều tay vợt, chẳng hiểu cơ hội của họ ở đâu khi mà trong 5 năm qua, Novak Djokovic vô địch tới 4 lần. Và kể từ năm 2008 đến nay, khi mặt sân Plexicushion được sử dụng, Djokovic cũng giữ kỷ lục 5 lần vô địch tại đây, nhiều nhất trong kỷ nguyên Mở tính từ năm 1969.
Plexicushion, loại mặt sân do hãng Plexipave của Mỹ sản xuất dành riêng cho Australian Open đã hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu của các tay vợt. Đó là giảm việc tiêu hao sức lực nhờ có hệ thống giảm sốc được làm bằng chất liệu lót cao su EPDM. Hơn nữa mặt sân cũng làm hài lòng ban tổ chức với đặc tính cơ bản là cách điện, cách nhiệt và rất bền trước mọi điều kiện thời tiết.
Theo lời giới thiệu của hãng Plexipave thì sân cứng Plexicushion có tác dụng giảm chứng nhức mỏi ở bàn chân, cổ chân và đùi, vì thế có thể hạn chế những chấn thương thường gặp khi các tay vợt di chuyển trên mặt sân cứng. Đặc biệt với những chuyên gia có thể “trượt” cả trên sân cứng như thể trượt băng giống Djokovic, Plexicushion đúng là điểm tựa để Nole phát huy tối đa những phẩm chất tốt nhất của mình.
Người Mỹ đúng là rất giỏi trong việc kinh doanh, khi khẳng định ưu điểm lớn nhất của công nghệ Plexicushion so với mặt sân Deco Turf hiện đang sử dụng tại US Open là bóng nảy chậm và cao hơn. Điều đó giúp các tay vợt có thêm thời gian xử lý cú đánh hoàn hảo hơn. Hay nói cách khác, sân Plexicushion vẫn là sân cứng bóng nảy nhanh nhưng “chậm” hơn các sân cứng khác trong mùa giải.
Ngay trong mùa giải đầu tiên sử dụng sân cứng Plexicushion tại Australian Open 2008, nhà vô địch đã là Djokovic. Tay vợt người Serbia khi ấy chưa đầy 20 tuổi và là hạt giống số 3, đã biến Roger Federer trở thành cựu vô địch sau chiến thắng chỉ trong 3 set ở bán kết. Sau đó Nole vượt qua Jo-Wilfried Tsonga ở chung kết sau 4 set đấu. Sau này người ta từng đồn đại Djokovic đã tìm đến hãng Plexipave để bày tỏ ý định xây riêng một sân tennis ở quê nhà Serbia phục vụ việc tập luyện. Không biết điều này có trở thành hiện thực hay không, nhưng thực tế Australian Open là giải Grand Slam thành công nhất trong sự nghiệp của Djokovic.
Australian Open diễn ra trên mặt sân cỏ từ năm 1905 đến năm 1987. Sau đó mặt sân cứng Rebound Ace được sử dụng từ năm 1988 đến 2007, còn mặt sân cứng Plexicushion được dùng từ năm 2008 đến nay. Sân Rebound Ace có lớp cao su nguyên chất trên bề mặt bê tông, nên giữ nhiệt lâu và trở nên “dính” hơn dưới nhiệt độ cao tại Melbourne. Điều này có thể khiến các tay vợt gặp nhiều chấn thương hơn khi di chuyển.
Novak Djokovic giữ kỷ lục vô địch Australian Open trong kỷ nguyên Mở (từ năm 1969) với 5 lần đăng quang (2008, 2011-13, 2015).