Sau khi Johanna Konta thua ở vòng loại tại Australian Open cách đây một năm, cây vợt 24 tuổi người Anh tham dự giải đấu tiếp theo ở Surprise, Arizona, một vùng ngoại ô của Phoenix chỉ có 30.000 dân và được xem là nơi tập huấn trong mùa xuân của các đội Kansas City Royals và Texas Rangers.
Tuy nhiên, đó là chặng đầu tiên trong rất nhiều chặng dừng chân của Konta trong một năm cô chấp nhận thi đấu ở những giải nhỏ thuộc hệ thống ITF Pro Circuit. Sau Surprise,Arizona, cô còn có mặt ở những nơi như Pelham,Alabama; tại Saint-Gaudens, Pháp; hay Granby,Quebec.
Và sau một năm, Konta chuẩn bị thi đấu ở tứ kết Australian Open.
Nên nói thêm là ngoài ITF Pro Circuit, hệ thống những giải nhỏ trong quần vợt còn có ATP Challenger. Sở dĩ hai hệ thống này ít được nhắc đến vì tiền thưởng rất thấp, chỉ khoảng 172 USD cho một chiến thắng ở vòng 1. Bù lại, những thứ không thể mua được bằng tiền ở hai hệ thống này là sự tự tin và kinh nghiệm.
“Vấn đề là tôi có thể tích lũy được kinh nghiệm,” Konta, người đã thắng 10 trận ITF trước lúc lọt vào vòng 4 tại US Open. “Thắng hay thua, nếu anh cảm thấy nỗ lực trong môi trường đó, anh sẽ thu được những điều tích cực. Đó là một quá trình.”
Giống như Konta, giờ xếp hạng 47, đối thủ của cô tại vòng tứ kết, cây vợt xếp hạng 133 thế giới là Zhang Shuai đã tiến bộ hơn rất nhiều nhờ hệ thống Pro Circuit. Sau khi chỉ đạt thành tích khiêm tốn 8-20 ở những giải lớn thuộc WTA và Grand Slam trong năm 2015, cây vợt người Trung Quốc chấp nhận tham dự một giải ở Tokyo, nơi cô có 5 trận thắng liên tiếp và giành được danh hiệu đầu tiên sau 2 năm.
“Tôi đã thi đấu với những cây vợt địa phương ở đó, rất khó khăn,” Zhang chia sẻ. “Nhưng tôi nghĩ tôi đã học hỏi được nhiều. Nếu không thắng, tôi nghĩ tôi không được như bây giờ.”
Nói ngắn gọn, không có sự tự tin ở những giải thuộc Pro Circuit hay Challenger, họ sẽ không thể vào đến tứ kết Australian Open. Và tiến xa hơn.
Mặc dù vậy, việc cân bằng giữa lịch thi đấu của ATP World Tour hay WTA Tour với những hệ thống như Challengers và Futures là không hề dễ dàng cho một cây vợt. Theo Austin Krajicek, cây vợt người Mỹ xếp hạng 103 thế giới, “nếu anh muốn thắng nhiều trận, anh sẽ phải thi đấu ở Challengers. Tại các giải Grand Slam, anh khó có thể tiến xa hơn vòng 1 hay vòng 2. Đôi lúc, thi đấu ở Challenger là một sự cúi mình nhưng là để duy trì thứ hạng hoặc leo cao hơn.” Cũng như giúp họ có mặt ở Grand Slam, nơi quy tụ 128 cây vợt hàng đầu thế giới, trong khi ở vòng loại, con số này lên đến 256 người.
Ở trường hợp của Konta và Zhang, họ biết họ có thể thành công ở WTA nhưng rắc rối lớn nhất của họ là niềm tin thường bị lung lay sau mỗi thất bại hoặc chấn thương. Khi đó, chỉ cần một vài trận thắng ở các giải nhỏ, họ sẽ không bước vào Grand Slam với cảm giác đã thua liên tiếp.
Và phần thưởng cho Konta và Zhang sau một năm nỗ lực là không hề nhỏ: Mỗi người sẽ nhận được ít nhất 280.000 USD nhờ có mặt ở tứ kết, còn nếu vào bán kết, con số này sẽ là 560.000 USD.
Tất cả là nhờ kinh nghiệm và sự tự tin mà họ có được ở những giải nhỏ. Riêng về điều này, đó là vô giá.