Dominic Thiem đang có mùa giải cực kỳ thành công. Với vị trí thứ 7 thế giới, tay vợt 22 tuổi người Áo hiện là người trẻ nhất nhất nằm trong Top 10.
Sinh năm 1993 trong một thị trấn nhỏ ở Wiener Neustadt, cách thủ đô Viên khoảng 30 dặm, tình yêu của Thiem với trái bóng xanh sớm bén duyên khi cả bố và mẹ đều là những HLV tennis. Bà Karin kể rằng, Thiem đã dùng vỉ đập ruồi để đánh những quả bóng bay khi mới bắt đầu biết đi. Năm 6 tuổi, Thiem bắt đầu thực hiện những cú đánh đầu tiên.
Năm 2002, bước ngoặt trong cuộc đời đến với Thiem khi ông bố Wolfgang quyết định gửi cậu con trai tới "tầm sư học đạo" tại học viện của người bạn, HLV lão luyện Gunter Bresnik, người từng làm thầy của Boris Becker, Amos Mansdorf và Patrick McEnroe, và cả Ernests Gulbis nữa.
Gunter Bresnik là người có ảnh hưởng cực lớn đến Thiem. Huấn luyện cậu bé từ khi 9 tuổi, Bresnik còn được coi là người cha thứ 2 của anh.
“Với Thiem, tôi dành nhiều thời gian cho cậu ấy hơn là các con của mình”, Bresnik chia sẻ: “Bố cậu ấy là người bạn thân nhất của tôi. Mối quan hệ giữa tôi và gia đình Thiem rất đặc biệt”.
Tuy nhiên, không vì tình cảm thân thiết từ trước mà Thiem có một người thầy dễ tính. “Gunter đặt ra chuẩn mực rất cao với tôi trong mỗi trận đấu, kể cả khi tôi đã là người xuất sắc nhất ở độ tuổi của mình tại Áo”, Thiem nhớ lại: “Một khoảng thời gian khó khăn, nhưng cũng là thời điểm điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi”.
Một trong những điều thay đổi hẳn sự nghiệp của Thiem mà Bresnik làm, đó là thuyết phục tay vợt người Áo chuyển từ cú trái 2 tay sang đánh trái 1 tay. Thiem đã có lúc lo lắng, khi mà quần vợt hiện đại (có lẽ) đã không còn phù hợp với những tay vợt chơi cú trái 1 tay nữa. Ngoài ra, Bresnik cũng “bắt” Thiem từ bỏ lối đánh phòng thủ, thay đổi thói quen tiếp cận trận đấu và chơi nhanh hơn kể cả khi ở cuối sân.
“Ông ấy đã thay đổi mọi thứ, từ việc thay đổi cú trái và yêu cầu tôi chơi tấn công nhiều hơn. Đã có lúc tôi mệt mỏi khi liên tục rớt hạng kể từ khi thay đổi. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng Gunter”.
Không phải đến bây giờ, người ta mới biết đến Dominic Thiem. Tay vợt người Áo từng “có số có má” ở các giải trẻ, với đỉnh cao là chức vô địch Orange Bowl 2011, một trong 5 giải đấu “hạng A” cho cấp độ trẻ, nơi đã giới thiệu hàng loạt những tay vợt xuất chúng như Andre Agassi, Boris Becker, Jimmy Connors và đặc biệt là Roger Federer.
Số người chơi trái 1 tay đã ít, số tay vợt chơi trái 1 tay có xu hướng lùi sâu ở vạch cuối sân, như Dominic Thiem, còn ít hơn nữa. Dưới sự chỉ đạo của Bresnik, từ một tay vợt chơi phòng ngự, chờ đợi thời cơ để phản công, Thiem chuyển sang tư duy chủ động tạo ra tình huống, cố gắng đánh nặng hầu hết trong các pha bóng và không ngần ngại đứng xa baseline để chơi đôi công.
Không chỉ vậy, vị HLV người Áo cũng yêu cầu Thiem đánh top-spin thật nhiều cho cả cú trái lẫn cú phải. Tuy nhiên khi cần, quả trái 1 tay của Thiem cũng có tốc độ rất tốt, được nhiều người đánh giá không hề kém cạnh so với Stan Wawrinka vào thời điểm này.
Với lối đánh đòi hỏi nền tảng thể lực lớn, Thiem đã phải nỗ lực rất nhiều. Ở độ tuổi trưởng thành của mình, Thiem liên tục gặp vấn đề về sức khỏe và hệ miễn dịch. Bresnik đã mời lực sĩ thi đấu 5 môn phối hợp nổi tiếng, Sepp Resnik về làm việc để tăng cường thể trạng cho cậu học trò của mình.
Sau 10 phút kiểm tra, Resnik kết luận “chàng trai này có thể làm mọi thứ ở phần thân trên, nhưng chẳng có tác dụng gì ở thân dưới”. Để giải quyết vấn đền này, Resnik đã áp dụng bài tập đặc biệt không kém phần khắc nghiệt cho Thiem, đó là gánh khúc gỗ nặng 25 kg chạy 15 km đường núi.
“Khi Thiem gào lên đau đớn ‘không thể chịu được’, tôi nhìn cậu ấy và nói ‘đừng bao giờ lặp lại câu nói đó’”, Resnik nhớ lại: “Tôi đã 60 tuổi và vẫn chạy được, vậy chẳng có lý gì cậu đang 20 mà không làm gấp 3 lần như thế”.
Cho đến thời điểm này của mùa giải 2016, Thiem là một trong số những tay vợt “khỏe” nhất trong Top đầu của ATP khi đã tham dự tới 15 giải đấu. Nhưng không chỉ gây ấn tượng bởi số lượng, chất lượng mới thực sự là yếu tố khiến người ta phải nhắc đến anh.
Trên mặt sân đất nện, Thiem đã đánh bại cả Rafael Nadal và Roger Federer lần lượt tại Buenos Aires và Rome, trước khi lần đầu vươn lên vị trí thứ 7 thế giới với thành tích lọt vào bán kết Roland Garros.
Sau thất bại trước Djokovic tại Paris, Thiem ngay lập tức tham dự Mercedes Cup và lần thứ 2 trong mùa giải, vượt qua Federer sau khi đã cứu 2 match point. Đáng nói ở chỗ, Thiem đã khuất phục Federer ngay trên mặt sân cỏ, mặt sân mà Federer được gọi là “vua”.
Trong trận chung kết, Thiem tiếp tục cho thấy bản lĩnh để ngược dòng thắng Philipp Kohlschreiber 2-1. Đây không chỉ chức vô địch đầu tiên trên mặt sân cỏ của tay vợt 22 tuổi, danh hiệu này còn giúp Thiem trở thành tay vợt thứ 9 vẫn còn đang thi đấu lên ngôi ở 3 mặt sân khác nhau trong cùng 1 năm.
Cho đến thời điểm này của mùa giải, với 4 danh hiệu, Thiem chỉ đứng sau Djokovic. Xét về số trận thắng, Thiem đang là tay vợt dẫn đầu khi đã có được chiến thắng thứ 45 trước Kohlschreiber.
Andy Murray từng nói rằng Thiem là người “lễ phép, làm việc chăm chỉ với thái độ làm việc rất chuyên nghiệp”, trong khi Novak Djokovic nhận xét đơn giản: “Thiem là tay vợt đứng đầu trong thế hệ của mình”.
Đó là những nhận xét không hề quá lời của số 1 và số 2 thế giới. Chính tinh thần cầu tiến, không ngại thay đổi, học hỏi là điểm mà Thiem được đánh giá cao nhất khi so với những tay vợt trẻ khác.
Sẽ là quá sớm để khẳng định điều gì đó ở Thiem, song những thành công gần đây chắc chắn sẽ giúp tay vợt người Áo tự tin hơn trên con đường sự nghiệp còn đầy thử thách phía trước.
Video Dominic Thiem đánh bại Roger Federer tại Mercedes Cup:
Một vài nét thú vị về Dominic Thiem
- Nickname: The Dominator – "Kẻ thống trị".
- Em trai của Dominic Thiem, Moritz, cũng là một tay vợt.
- Thần tượng của Thiem là người đàn anh đồng hương Juergen Melzer.
- Hâm mộ CLB Chelsea và thích những món ăn Nhật Bản, đặc biệt là sushi.
- Bạn gái Romana Exenberger của Thiem từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Áo năm 2010.
- Không như nhiều tay vợt khác, Thiem tự lập và quản lý tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook.