Cô đơn là đối thủ lớn nhất của các cây vợt

thứ ba 16-2-2016 8:59:31 +07:00 0 bình luận
Đằng sau những nụ cười chiến thắng là cảm giác cô đơn mà chỉ có các cây vợt mới thấu hiểu được…

Cây vợt người Mỹ từng giành 8 danh hiệu Grand Slam là Andre Agassi có viết trong cuốn tự truyện Open của anh như sau, “Trong số các môn thể thao của nam và nữ, quần vợt gần nhất với sự cô độc. Chỉ có những võ sĩ quyền Anh có thể hiểu được sự cô đơn của các cây vợt. Mặc dù vậy, những võ sĩ quyền Anh còn có các huấn luyện viên và phụ tá ở góc võ đài. Đôi lúc, mọi người nhắc đến VĐV điền kinh như một kẻ cô đơn nhưng tôi phải cười. Ít nhất thì VĐV điền kinh còn cảm nhận và ngửi được mùi các đối thủ. Họ chỉ cách nhau vài cm. Còn trong quần vợt. anh ở trên một hòn đảo.”

Cuốn Open của Agassi

Tồn tại trên “hòn đảo” hiu quanh đó là một thách thức không hề nhỏ, đặc biệt với những cây vợt trẻ. Có lẽ điều này đã giải thích tại sao từ Agassi cho đến Jennifer Capriati, và thậm chí là Serena Williams, có lúc yêu, lúc chán quần vợt.

Và nó cũng giải thích tại sao Andy Murray đã quay về phía ban huấn luyện trên khán đài của anh để la hét. Hay một số cây vợt mang theo những tờ giấy nhàu nát có ghi điều gì đấy. Chẳng hạn như tại Wimbledon, Pete Sampras mang theo một tờ giấy mà vợ anh có ghi dòng chữ “Chồng em - 7 lần vô địch Wimbledon - Pete”.

Nhiều người thường xem đó là một hành động kì quặc nhưng phải thừa nhận, quần vợt là một môn thể thao tàn nhẫn. Trong cricket, cầu thủ quật bóng còn có đồng đội để động viên anh ta. Trong golf, golf thủ có caddie để tham khảo ý kiến. Trong bóng đá, và thực tế là mọi môn thể thao khác, anh đều có đồng đội hỗ trợ.

Ngược lại, trong quần vợt không có gì cả. Thật khó tin là dù đã gắn bó gần hết sự nghiệp ở tour, Serena vẫn gặp khó khăn để thích nghi với cuộc sống. Gần nhất là tại giải Australian Open hồi tháng trước, cây vợt người Mỹ có nói đến sự nỗi buồn, cảm giác cô đơn và sự chán nản.

Nếu ai đó hỏi rằng, chẳng lẽ Serena không có bất cứ người bạn nào trong phòng thay đồ, thì trong cuốn Infinite Jest, tác giả David Foster Wallace có viết: “… Đó là một môn thể thao cá nhân. Xin chào mừng đến với ý nghĩa cá nhân. Ở đây, mỗi chúng ta đều chỉ có một mình. Điểm chung mà chúng ta đều có là sự cô đơn.”

Serena và Wozniacki

Nói đơn giản thì việc các cây vợt trở thành bạn bè là rất khó. Maria Sharapova và Eugenie Bouchard đã nói như vậy. Garbine Muguruza cũng khẳng định điều này gần đây và tại Dubai, Carla Suarez Navarro đồng ý với tất cả.

“Thật khó để có bạn bè,” Muguruza cho biết. “Điều này khiến tôi hơi buồn. Hằng tuần, tôi vẫn gặp các cô gái cùng độ tuổi như tôi và họ đều xinh đẹp nhưng họ là đối thủ của tôi.”

Suarez Navarro thì nói thêm: “Tôi hiểu những gì Garbine muốn nói nhưng phần lớn các cây vợt cũng có 1-2 người bạn ở tour. Chẳng hạn như Serena và [Caroline] Wozniacki. Họ gặp nhau trong trận chung kết nhưng họ là bạn bè. Một số cây vợt còn rủ nhau đi nghỉ hay ăn trưa cùng nhau.”

Muguruza

Hay với Petra Kvitova, cô có một người bạn như vậy là Lucie Hradecka, đặc biệt khi số 8 thế giới từng hai lần vô địch Wimbledon giờ di chuyển một mình sau ngày chia tay huấn luyện viên David Kotyza. “So với các cây vợt nam, các cây vợt nữ gặp nhiều khó khăn hơn,” Kvitova nói. “Bạn phải xa gia đình, các bạn trai và chỉ một thời gian thôi, điều này sẽ không dễ dàng gì.”

Đúng là theo thời gian, sự cô đơn có thể trở thành đối thủ lớn nhất của mọi cây vợt. Không tin thì cứ hỏi Agassi, Capriati, hay thậm chí là Serena.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm