Chấp nhận thay đổi tư duy và phong cách gắn bó từ lâu đã giúp sự nghiệp của Angelique Kerber thực sự "nở hoa" với 2 Grand Slam và ngôi vị số 1 thế giới.
Sự nghiệp của Angelique Kerber có thể chia làm 2 giai đoạn. Trước và sau trận đấu ở vòng 1 Qatar Open trước Victoria Azarenka vào tháng 2/2015.
Trước trận đấu đó, Kerber – người kết thúc năm 2014 ở vị trí số 9 thế giới – đã bị loại ở vòng 1 Australian Open và để thua liên tục tại các giải Dubai, Antwerp hay Fed Cup. Tay vợt người Đức văng khỏi Top 10 và dường như việc trượt ra ngoài Top 20 chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trở lại trận đấu ở Doha, Kerber đã có ngày thi đấu dưới sức. Đối mặt Azarenka, tay vợt mới trở lại sau chấn thương và dự giải nhờ vé đặc cách, hạt giống số 8 Kerber đương nhiên được đánh giá cao hơn nhưng lại chơi rất thất vọng.
Kerber thi đấu bế tắc và dường như không biết phải lựa chọn cú đánh, lối chơi ra sao. Tay vợt người Đức thua set 1 mà không giành nổi game thắng nào với một lỗi giao bóng kép. Khi bắt đầu set 2, Kerber gọi HLV Benjamin Ebrahimzadeh xuống sân để chỉ đạo.
Ông Ebrahimzadeh khuyên Kerber tiếp tục đánh bóng bền. Camera bắt được hình ảnh phản ứng của Kerber, nói rằng “sao có thể chơi như vậy khi bản thân không thể thắng được một điểm”. Kerber để thua tiếp Azarenka ở set 2. Cô hiểu rằng nó không còn đem đến sự hiệu quả nữa.
Kerber chơi chuyên nghiệp từ năm 2003, khi 15 tuổi, nhưng cô không đạt được thành tích nào đáng kể cho đến khi lọt vào bán kết US Open 8 năm sau. Kerber tiến bộ nhanh hơn kể từ đó, song nhiều người nói vui rằng cách cô thi đấu giống như một bức tường. Điểm mạnh của Kerber so với các tay vợt nữ khác là sự ổn định. Tuy nhiên, chính sự ổn định đó lại trở thành chướng ngại cho cô.
Nhắc đến Kerber là người ta nghĩ ngay đến một tay vợt có lối chơi phòng ngự bền bỉ, chờ cơ hội phản công dựa trên bộ chân cực kỳ linh hoạt. Chiều cao 1m73 cũng giúp Kerber xoay xở trọng tâm nhanh chóng để xử lý những pha bóng cận chân rất tốt.
Kerber có thể thực hiện được những cú trả bóng khó, lọt vào đến bán kết hay chung kết, nhưng tay vợt 28 tuổi lại không thể thực sự đánh bại một tay vợt nào theo đúng nghĩa. Rất ít khi Kerber chủ động tấn công hay thực hiện một cú đánh mở ra cơ hội ghi điểm, thay vào đó kiên nhẫn chờ đối phương mắc lỗi, đánh hỏng.
Kerber hiểu điều đó. Vấn đề không nằm ở kỹ thuật mà đến từ tâm lý và phong cách chơi. Sau thất bại đầu năm 2015, Kerber quyết định cô phải thay đổi toàn diện: “Có nhiều trận đấu năm ngoái mà tôi biết mình cần phải chơi nhanh hơn để giàn chiến thắng”, Kerber nhớ lại: “Tôi đã tập luyện rất nặng, chuyển đổi thứ đã ăn sâu vào mình không phải điều dễ”.
Sự thay đổi đầu tiên là việc chia tay HLV Ebrahimzadeh và quay trở lại với HLV Torben Beltz. Trước khi tới Indian Wells vào tháng 3, Kerber còn dành thời gian tập luyện cùng huyền thoại đồng hương Steffi Graf, người mà Kerber bảo rằng đã “loại bỏ sự tự ti” trong cô. Kerber giành 4 danh hiệu trong năm 2015 và có một cuộc đấu khác trước Azarenka ở vòng 3 US Open. Kerber vẫn thua nhưng lần này đã khác.
“Không phải cảm giác thua trận như trước. Tôi cảm thấy mình đánh bóng nhanh hơn, chủ động hơn. Cô ấy chỉ đơn giản là người giành chiến thắng cuối cùng. Trận đấu đã đem đến cho tôi rất nhiều sự tự tin khi bước vào mùa giải mới”, Kerber nói về trận thua 1-2 trước tay vợt người Belarus.
Năm mới bắt đầu thuận lợi với Kerber khi cô lọt vào chung kết Brisbane. Nhưng lại một lần nữa, tay vợt 28 để thua… Azarenka. Đến vòng tứ kết Australian Open, Kerber tiếp tục chạm trán với tay vợt đã toàn thắng mình ở cả 6 lần trước đây. Lần này, Kerber hạ gục Azarenka sau 2 set trước khi vượt qua Serena Williams trong trận chung kết.
Không chỉ đứng sâu phòng ngự nữa, Kerber giờ đã chủ động tấn công, đứng gần baseline hơn để đánh bóng nhờ những cú thuận bằng tay trái khác biệt. Rũ bỏ nhãn mác của một tay vợt chỉ biết chơi phòng thủ, Kerber giờ chấp nhận mạo hiểm hơn trong các pha điều bóng để kiếm tìm chiến thắng. “Chơi nhanh hơn” là điều mà Kerber đã nói rất nhiều khi được hỏi về sự thay đổi cách mạng trong phong cách của cô.
Sau chức vô địch Australian Open, nhiều người lo ngại Kerber liệu có như “sao băng”, tỏa sáng rồi biến mất khi sự kỳ vọng và áp lực tăng lên. Quả thực, Kerber cũng đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi bị loại sớm ở Roland Garros.
Tuy nhiên, Kerber đã chứng mình đó chỉ là tai nạn. Giai đoạn cuối năm, Kerber là tay vợt đạt được phong độ cao và ổn định nhất khi liên tục lọt vào chung kết Wimbledon, Olympic 2016 và Cincinnati. Dù chỉ giành ngôi á quân nhưng thực tế mà nói, đó thành tích vượt bậc nếu so với Kerber của 9 tháng trước.
Và nếu còn ai nghi ngờ thì chức vô địch US Open là câu trả lời rõ ràng nhất của Kerber. Trước một Karolina Pliskova đang hừng hực khí thế sau khi loại cả Venus và Serena Williams ở các vòng trước đó, Kerber cho thấy bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc để khuất phục tay vợt người Séc sau 3 set đấu.
Giờ đã là số 1 thế giới, Kerber nói rằng nỗ lực thay đổi của cô đã nhận được thành quả xứng đáng: “Tôi đã tập luyện vất vả, giành hàng giờ đồng hồ trong phòng gym hay trên sân tập để giúp mình thi đấu nhanh hơn. Không chỉ là việc đánh bóng qua lưới, tôi muốn kiểm soát trận đấu nhiều hơn”.
“Việc thay đổi là một thử thách thực sự, và khi thấy thành quả xuất hiện, đó là một cảm giác không thể tuyệt vời hơn”, Kerber trả lời phỏng vấn sau khi giành Grand Slam thứ hai trong năm.
Angelique Kerber là tay vợt nhiều tuổi nhất lần đầu giữ vị trí số 1 thế giới khi đã 28 tuổi. Kerber cũng là tay vợt nữ đầu tiên không phải chị em Williams giành ít nhất 2 Grand Slam trong một năm kể từ thời Justine Henin năm 2007.
Video Kerber đánh bại Pliskova để đăng quang tại US Open: