Nói gì thì nói, tên tuổi của Cruyff cũng đã gắn bó với Ajax trong 11 năm ở vai trò của một cầu thủ (1964-1973; 1981-1983) và 3 năm ở vai trò của một HLV (1985-1988). Cùng với đội bóng thành Amsterdam, số 14 huyền thoại của Hà Lan đã giành được 8 chức vô địch Hà Lan, 3 Cúp C1, 1 Siêu Cúp châu Âu, 1 Cúp liên lục địa. Để so sánh, với Barca, ông chỉ có 5 năm thi đấu (1973-1978) và giành vỏn vẹn 1 La Liga, 1 Cúp nhà Vua.
Đổi lại, trên cương vị HLV, Cruyff chỉ có 3 danh hiệu cùng Ajax (2 Cúp Quốc gia và 1 Cúp C2), trong khi tại Barcelona, ông đã giành được 11 danh hiệu và được xem là HLV thành công nhất trong lịch sử của sân Nou Camp trước khi bị Pep Guardiola vượt qua (15 danh hiệu).
Thế nhưng, nếu cho rằng, Cruyff đã đặt nền móng xây dựng lối chơi của Barca trong gần 30 năm qua, khó mà nói rằng ông là người vĩ đại nhất ở Nou Camp trong toàn bộ chiều dài lịch sử của CLB. Và là lí do để tên ông thay thế cho cái tên Nou Camp đã được xây dựng vào năm 1957.
Bởi người thành lập Barca vào năm 1899 là Joan Gamper còn không được đặt tên cho sân dù ông là chủ tịch đầu tiên của CLB và cũng là người giúp Barca sở hữu một sân riêng từ năm 1909. Bởi khẩu hiệu của Barca là "Més que un club" (Còn hơn một CLB), nghĩa là thật khó để họ tôn vinh một cá nhân khi Barca thuộc về xứ Catalonia, là biểu tượng của văn hóa Catalan, cộng đồng người Catalan.
Không phủ nhận là Cruyff đã đặt nền móng xây dựng một Barca hiện đại và là nền tảng cho thành công của Louis van Gaal, Frank Rijkaard, Pep hay Luis Enrique sau này, giai đoạn của Van Gaal, Rijaard, Pep hay Luis Enrique cũng tạo được những dấu mốc riêng trong lịch sử CLB và củng cố vị trí của CLB như là một trong những quyền lực lớn nhất châu Âu. Thậm chí, ở giai đoạn này, CĐV Blaugrana sẽ còn phải nhắc đến Pep như là HLV thành công nhất trong lịch sử Nou Camp cùng với lối đá tiki-taka và 15 danh hiệu ông giành được chỉ trong 4 năm ngắn ngủi gắn bó cùng đội bóng; và Lionel Messi, tiền đạo chắc chắn là cái tên vĩ đại nhất của Barca và hơn cả Cruyff, Laszlo Kubala, Luis Suarez, Sandor Kocsis, Johan Neeskens, Hans Krankl, Allan Simonsen, Diego Maradona, Gary Lineker, Michael Laudrup, Hristo Stoichkov, Romario, Luis Figo, Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho, Samuel Eto’o…
Sau cùng thì Barca cũng không thiếu gì cách để tôn vinh Cruyff thay vì đặt tên ông cho sân vốn đang thay đổi theo xu hướng nhượng quyền. Chẳng hạn như họ dựng tượng ông trước sân Nou Camp, cất chiếc áo số 14 vĩnh viễn, đặt tên ông cho sân tập, gắn tên ông trên cổng số 14 hay thậm chí thành phố Barcelona đặt tên ông cho một con đường, một con phố. Bởi những thứ này còn có thể tồn tại lâu dài, còn tên sân là rất khó nếu như người ta sẵn sàng xóa Nou Camp và nhượng quyền cho một nhà đầu tư sử dụng. Nói gì thì nói, một bản hợp đồng nhượng quyền tên sân sẽ mang lại cho Barca hơn 200 triệu euro trong vòng 10 năm như Arsenal đã có với Emirates và Man City với Etihad, đồng thời giúp CLB giải quyết được vấn đề trước mắt như chi phí cải tạo sân, thanh toán các khoản nợ…
Trong trường hợp đó, tên sân Johan Cruyff sẽ chẳng mang lại cho Barca một điều gì ngoài việc là một cái tên, khi tình cảm và lòng tiếc thương mà họ dành cho huyền thoại người Hà Lan chỉ thực sự được khơi gợi lên sau cái chết của ông. Còn sau đó, tên sân Johan Cruyff không giúp Blaugrana đẻ ra tiền hay giúp họ thành công hơn nếu như nó là trở ngại ngăn cản các nhà đầu tư đổ tiền vào.
Và nên nhớ, cuộc thăm dò về việc đổi tên sân trên tờ Sport không phải là tiếng nói chung của các cule, dù trong 8.000 người được hỏi, 65% ủng hộ việc đổi tên Nou Camp thành Johan Cruyff và dù ngày hôm qua, ban lãnh đạo của Barca đã nhóm họp để bàn về vấn đề này.