Không ai ở Barcelona và Real Madrid có thể tranh đá phạt đền hay phạt trực tiếp với Messi và Ronaldo, điều cho thấy thứ quyền lực mà họ tạo ra từ trước tới nay.
Hôm thứ Bảy tuần trước, Lionel Messi đánh bại thủ môn Diego Alves trên chấm 11 mét ở phút bù giờ thứ tư. Đó là một bàn thắng cực kỳ quan trọng giúp Barcelona giành 3 điểm sau chiến thắng Valencia 3-2. Trong bối cảnh lớn hơn, nó có tác động đáng kể đối với thành tích ghi bàn của Messi ở nửa cuối sự nghiệp.
Đối với một tài năng siêu phàm như Messi, người đã phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác trong bóng đá, thành tích ghi bàn từ phạt đền của anh không đặc biệt ấn tượng. Tỷ lệ sút thành công penalty của Messi dao động quanh mốc 80%, xấp xỉ mức trung bình ở các hạng đấu hàng đầu.
Messi thỉnh thoảng “nhường” cho Neymar hoặc Luis Suarez thực hiện đá phạt đền của Barcelona trong thời gian gần đây, nhưng thường thì La Pulga vẫn giành lấy quyền bước lên chấm 11 mét ở những khoảnh khắc lớn nhất. Điều đáng nói, tiền đạo người Argentina không thực sự gây được ấn tượng về khía cạnh này. Anh đã sút hỏng 4 trong 8 quả penalty ở mùa giải gần nhất, điều làm cho nhiều người nhận thấy rằng kỹ thuật của anh dường như không phù hợp khi đá phạt.
Đôi khi Messi chờ cho thủ môn di chuyển trước khi sút, lần khác anh chỉ đơn giản là chọn vị trí của mình và dứt điểm. Hầu hết các cầu thủ có tỷ lệ sút chính xác cao như Eden Hazard, Cristiano Ronaldo, Matt Le Tissier có một cách tiếp cận dứt khoát. Họ thay đổi vị trí đặt bóng, nhưng phong cách cơ bản vẫn giữ nguyên.
Nếu Messi thất bại trước Alves sẽ không có gì ngạc nhiên khi thủ môn của Valencia có thành tích cản phá phạt đền tốt nhất lịch sử La Liga. Hơn nữa, điều đó càng khẳng định một thực tế là Barcelona tiếp tục thiếu một chuyên gia đá penalty.
Trong những năm gần đây, nhiệm vụ sút phạt đền của ngôi sao người Argentina không còn đạt được mức độ tốt nhất ở đội bóng. Thế nhưng, Messi vẫn nghiễm nhiên là lựa chọn số một của Messi. Người hâm mộ có cảm giác rằng, Messi như một ngôi sao được cho phép một mức độ hợp lý của sự tha thứ khi sút hỏng, có nghĩa là anh ta tiếp tục được ưu tiên để thực hiện các quả phạt đền cho đội bóng.
Sergio Aguero là một ví dụ tương tự. Tiền đạo của Man City đã bỏ lỡ 4 lần trong mùa giải này ở CLB và ĐTQG nhưng vẫn thường xuyên được giao đá phạt đền cho nửa xanh thành Manchester. Chắc chắn sẽ không thiếu đồng đội cảm thấy vui mừng bước lên và nhận trách nhiệm - dù Kevin De Bruyne đã thất bại trong trận hòa 1-1 với Everton gần đây - nhưng Aguero tiếp tục là sự lựa chọn đầu tiên của đội bóng.
Tương tự như phạt đền là sút phạt trực tiếp. Tại Real Madrid, tỷ lệ chuyển đổi từ sút phạt trực tiếp của Cristiano Ronaldo đã giảm đáng kể trong vài mùa gần đây. Trong những năm đỉnh cao của mình tại Man Utd và những mùa đầu tiên với Real Madrid, Ronaldo đã ghi được khoảng 8-10% số cú sút từ đá phạt trực tiếp. Thế nhưng, đến mùa 2014/15, tỷ lệ của anh tại La Liga chỉ là 6% và giảm hơn nữa xuống còn 4% ở mùa trước.
Những thống kê về số bàn thắng từ sút phạt trực tiếp đôi khi bị ảnh hưởng rất nhiều vào mức độ xuất sắc của thủ môn đối phương hay yếu tố may mắn. Tuy nhiên, những con số này nhấn mạnh cảm giác chung là khả năng đá phạt của Ronaldo ít nguy hiểm hơn.
Tại đội bóng khác, Ronaldo có thể vẫn sẽ là chân sút phạt tốt nhất so với các đồng đội xung quanh, nhưng tại Real Madrid, thật dễ dàng để thông cảm cho Gareth Bale, người có lẽ bây giờ là một lựa chọn tốt hơn so với Ronaldo.
Bale đã gây chú ý cho người hâm mộ bằng hai cú sút phạt trực tiếp tầm xa thành bàn cho đội tuyển xứ Wales tại EURO 2016 gặp Slovakia và Anh, theo hai hướng khác nhau. Bale có vẻ đủ khả năng tạo ra được việc kiểm soát quả bóng để tìm đến một vị trí mong muốn, trong khi cách tiếp cận của Ronaldo ngày càng liên quan đến sự ngẫu nhiên.
Trường hợp của Ronaldo đang gợi nhớ đến tình hình tại Real Madrid trong những năm 2000, khi Roberto Carlos đã được cho phép thực hiện quá nhiều quả sút phạt trực tiếp trước Zinedine Zidane, Luis Figo và Ronaldo, những người cũng có khả năng dứt điểm nguy hiểm. Chỉ sau khi David Beckham đến mới khiến hậu vệ người Brazil giảm tỷ lệ sút phạt, mặc dù cựu ngôi sao này vẫn khẳng định vị thế khi sút ở cự ly khoảng 30 mét, vốn thường quá xa cho Beckham.
Cả Messi, Ronaldo hay Roberto Carlos trước đây đều điển hình cho chủ nghĩa cá nhân đóng một yếu tố quá lớn trong việc ra quyết định. Họ có thể không phải là người giỏi nhất trong một lĩnh vực nhưng lại có quyền uy để thực hiện nó.
Video những pha đá phạt đền hỏng ăn của Messi và Ronaldo