Khi giá trị hợp đồng quảng cáo áo đấu mùa 2016/17 được công bố, tất cả đều hiểu Barcelona đã thua vì sự ngạo mạn và tham lam quá mức của ban lãnh đạo.
Sao cái áo Barca rẻ rúng đến thế?
Vậy là sau gần cả năm săn lùng, Barcelona đã xác định được nhà tài trợ áo đấu của mùa 2016/17: Đối tác vẫn là Qatar Airways với hợp đồng trị giá 35 triệu euro – thấp hơn mong đợi của chủ sân Nou Camp ít nhất 25 triệu euro, và thời hạn vỏn vẹn có 1 năm.
Với phi vụ mới nhất này, Barcelona lại qua mặt Real Madrid do đối thủ chỉ kiếm được 32 triệu euro từ nhà tài trợ Fly Emirates. Nhưng cần lưu ý là “Kền kền trắng” hoàn toàn có thể bứt lên trước “gã khổng lồ xứ Catalan” lần nữa, vì hợp đồng này đã ký từ năm 2013.
Bên cạnh đó, cần biết là với bản hợp đồng mới nhất này, Barcelona hiện xếp sau tới 3 đội trong danh sách các CLB kiếm tiền nhiều nhất từ quảng cáo áo đấu.
Đứng trên Barcelona cụ thể hiện gồm có Arsenal được Fly Emirates tài trợ 40 triệu euro/năm, Chelsea - 55 triệu euro/năm từ Yokohama Tyres, còn Man Utd - 70 triệu euro/năm, kỷ lục của mùa giải, với Chevrolet.
Đối với bất cứ CLB nào khác, chỉ cần có vị trí trong Top 4 này là ngon lành, nhưng riêng với Barcelona, đây là thực trạng không thể thỏa mãn. Đơn giản là do trong thập niên qua, Barcelona chính là đội bóng hay nhất thế giới.
Đấy là chưa kể sự thật ở mùa qua, Barcelona chính là CLB bán được nhiều áo đấu nhất thế giới.
Trong lúc người Anh làm rùm beng về cuộc đua giữa Chelsea với Man Utd, khi chủ sân Stamford Bridge vươn lên số 1 xứ sở sương mù với 3.102.000 chiếc áo (tăng 40%) còn Man Utd chỉ tiêu thụ được 2.977.000 áo, phần của Barcelona là 3.637.000 áo.
Bất chấp tăng lượng tiêu thụ tới 40% - cao nhất trong Top 10 CLB bán áo nhiều nhất thế giới, Bayern Munich cũng đành đứng sau Barcelona do kém hơn 400.000 áo.
Với những ưu điểm đáng kể như vậy, tại sao áo đấu Barcelona vẫn bị xem rẻ rúng đến thế, khi không tập đoàn nào nhập cuộc khiến họ phải muối mặt chấp nhận đề nghị như bố thí của Qatar Airways?
Đòn thù cho kẻ phản bội, lật lọng và tham lam vô độ
Nhưng có lẽ chỉ người trong chăn mới biết chăn có rận: Những tiết lộ mới nhất của truyền thông chứng tỏ trong vụ này, Barcelona đang phải ngậm bồ hòn làm ngọt do cách hành xử tệ hại với đối tác Qatar Airways.
Đấy là sự kiện ngày 25/10/2015, khi chủ tịch Josep Maria Bartomeu chỉ trích các thành viên trong Hội đồng quản trị Barcelona về một thỏa thuận có lợi cho người Qatar lúc chuẩn bị gia hạn hợp đồng, trong lúc chủ sân Nou Camp hoàn toàn có thể kiếm được khoản tiền tương tự 70 triệu euro mà Chevrolet vừa trả cho Man Utd.
Bởi lẽ, Josep Maria Bartomeu tin rằng Barcelona xứng đáng được đãi ngộ tốt nhất thế giới sau cú ăn ba mùa 2014/15 với các ngôi vô địch La Liga, Cúp Nha Vua và Champions League, rồi mở màn mùa 2015/16 bằng Siêu cúp châu Âu trước lúc chinh phục World Club Cup vào cuối năm 2015.
Thế là Josep Maria Bartomeu tuyên bố Barcelona phải buộc Qatar Airways bỏ ra “tối thiểu 65 triệu euro trong ít nhất 3 năm”.
Một nguyên nhân khác khiến Josep Maria Bartomeu quyết định gây sức ép cho đối tác là việc Qatar Airways chi ra 15 triệu euro để quảng cáo trên áo tập của Bayern Munich.
Hành động của Josep Maria Bartomeu không chỉ khiến Qatar Airways cảm thấy bị bẽ mặt, mà còn phẫn nộ, vì điều này coi như xổ toẹt mọi thỏa thuận trước đó với Javier Faus – Phó chủ tịch Barcelona phụ trách kinh doanh vừa khéo léo nâng đề nghị 35 triệu euro/năm của đối tác lên 60 triệu euro/năm trong 4 năm để đội nhà bỏ túi 240 triệu euro.
Qatar Airways còn cảm thấy bị phản bội khi chứng kiến họ trở thành mục tiêu công kích của toàn bộ Barcelona trong chiến dịch tranh cử chủ tịch CLB.
Bởi lẽ, Qatar Airways có thể chấp nhận được những chỉ trích từ Laporta, Freixa hoặc Benedito – các đối thủ của Josep Maria Bartomeu. Thế nhưng, họ chẳng thể chấp nhận được khi phải nghe những lời tương tự từ “người bạn” Josep Maria Bartomeu.
Vì vậy, Qatar Airways quyết định trả thù, nhất là khi thương hiệu của họ đã xuất hiện trên áo của một CLB hàng đầu châu Âu khác, cho dù đó chỉ là áo tập.
Trước hết, Qatar Airways không trả lời bất cứ cú điện thoại nào từ các nhà quản lý của Barcelona. Kế đến, họ cho Manel Arroyo – Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị và truyền thông của Barcelona phải chờ mòn mỏi khi đến Qatar.
Điều trớ trêu là đối mặt với thái độ ghẻ lạnh của Qatar Airways, Barcelona vẫn như “con vịt đến chết, cái mỏ còn cứng”. Sau khi đề nghị Adidas sản xuất áo đấu của Barcelona mà không có tài trợ thì mới tháng qua, Manel Arroyo vừa cho biết họ hiện có cả tá đối tác tài trợ đang thương thảo, ngay trước khi gia hạn hợp đồng mới với Qatar Airways.
Manel Arroyo tự tin tuyên bố: “Sẽ có thêm 60-65 triệu euro trong một năm. Đấy là cái giá của các ngôi sao và của đội bóng đang thành công như chúng tôi. Sự thật là lúc nào Barcelona đều phải hơn Real Madrid cả về tài chính lẫn thành tích thi đấu”.
Tỉnh lại đi, “gã khổng lồ xứ Catalan”!
Từ những mâu thuẫn với đối tác Qatar Airways, không khó nhận ra Barcelona chẳng cam chịu đứng phía sau Man Utd về tài chính và tiếp thị nên cảm thấy khó chịu về việc các nhà tài trợ đánh giá “Quỷ đỏ” cao hơn họ.
Tuy nhiên, Barcelona lẽ ra cần suy nghĩ cẩn thận xem tại sao lại có hiện tượng như vậy, khi nếu chỉ xét về chuyên môn, họ đúng là xứng đáng được đãi ngộ như thế?
Đáp án xem ra là ở đầu mùa 2015/16, vào ngày đầu mà Nike tung ra kiểu áo mới của Man Utd. Doanh số đột ngột tăng vọt gấp 200% so với ngày khai trương của mùa 2014/15.
Nguyên nhân là do Man Utd có lượng người hâm mộ quá đông trên mạng xã hội. Do đó, Man Utd chỉ cần tung mẫu áo đấu mới và đoạn phim quảng cáo lên trang chính của “Quỷ đỏ” tại Facebook, Twitter và Instagram…, nhanh chóng có hơn 212 triệu lượt chia sẻ và hơn 2 triệu người xem phim!
Hiệu ứng tuyệt vời đó được đánh giá là do Man Utd có đông đảo cổ động viên ở châu Á, điều mà Barcelona đang thua xa lắc. Quan trọng không kém, người hâm mộ Man Utd sẵn sàng mua sản phẩm của đội nhà nên giúp Adidas kiếm bộn.
Ngặt nỗi, Barcelona hiện dường như không hiểu được điều đó, hay chính xác hơn là không chịu hiểu. Sở dĩ họ chấp nhận muối mặt với Qatar Airways phần nào do đang quá cần tiền.
Đấy là sự thật, vì Barcelona hiện chẳng còn như cái thời không quan tâm tới quảng cáo trên áo như trước năm 2006. Hiện nay, họ cần khoảng 600 triệu euro để nới rộng sân Nou Camp lên 105.000 ghế vào năm 2021.
Kế đến, như tờ Mundo Deportivo tiết lộ, Barcelona mời chào Lionel Messi ký hợp đồng mới và cần nhớ rằng mức lương hiện nay của anh đã lên tới 400.000 euro/tuần.
Ngoài ra, Barcelona cần gia hạn hợp đồng với Neymar, sau khi bỏ ra hơn 40 triệu euro mua Samuel Umtiti (25 triệu euro), Lucas Digne (16,5 triệu euro) và Denis Duarez (3,25 triệu euro).
Bên cạnh đó, Barcelona vừa bị tòa án yêu cầu trả lại 47 triệu euro mà họ nhận được từ vụ bán một miếng đất ở Can Rigalt năm 2005.
Tình hình tài chính nguy ngập tới mức Barcelona đang tính phương án sử dụng Cristian Tello vừa trở lại sau thời gian đá thuê để làm dự bị cho dàn công MSN (Messi – Suarez – Neymar), một khi không đủ tiền mua Luciano Vietto, Kevin Gameiro hoặc Angel Correa.
Trong bối cảnh như vậy, và phần nào có lẽ do té đau một lần nên nhớ, Manel Arroyo để mở khả năng sau mùa 2017/18, đối tác quảng cáo áo đấu cho Barcelona vẫn là Qatar Airways, đương nhiên số tiền phải lớn hơn kỳ này nhiều.
Vì trên thương trường, chẳng ai muốn có thêm kẻ thù, đặc biệt khi cuộc chơi có giá trị càng lớn thì đối tượng tham dự lại càng ít ỏi. Hơn ai hết, Barcelona ắt hẳn đã hiểu rằng hiện không có bao nhiêu đối tác đáp ứng được đòi hỏi của họ, như có nhà tài trợ chấp nhận số tiền lại không chịu thời hạn quá dài hay ngược lại.
Manel Arroyo tuyên bố: “Gia hạn thêm 1 năm là đề nghị của Barcelona, chẳng phải của Qatar Airways. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ muốn kiếm thêm tiền, mà còn muốn có đối tác đang tin cậy nhất nên không loại trừ Barcelona tiếp tục gắn bó với Qatar Airways, nhất là khi chúng tôi còn tiếp tục khai thác thị trường ở Qatar”.
Dù vậy, khi cũng trong cuộc họp báo vừa qua mà Manel Arroyo khẳng định Qatar Airways hiện là chọn lựa số 1 sau khi chấm dứt hợp đồng mới này và… Amazon là phương án dự phòng do từng đề nghị bắt đầu tài trợ từ mùa 2018/19 thì xem ra, Barcelona chưa tỉnh đâu, vẫn còn mơ mộng lắm!