Thực tế thì La Liga chỉ có 4 CLB không nằm trong diện chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân theo Luật thể thao của Tây Ban Nha, Ley 10/1990 del Deporte, là Real Madrid, Barcelona, Bilbao và Osasuna. Mặc dù thế, mô hình socio này cũng có những lợi thế và bất lợi riêng. Về mặt tài chính, các CLB thuộc sở hữu của socio không thể nhận các khoản đầu tư của tư nhân hay nhà nước hoặc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để mua cầu thủ hay thực hiện các hoạt động của CLB.
Nói ngắn gọn, họ chỉ dựa vào thu nhập mà các hoạt động của CLB mang lại. Cũng vì thế mà tính minh bạch về tài chính là khó đảm bảo và giải thích tại sao Barcelona luôn vướng vào các scandal chuyển nhượng (mua đắt nhưng công bố là rẻ) nếu như ban lãnh đạo muốn làm sai lệch các con số.
Bên cạnh đó, tuy tạo được tính dân chủ vì sở hữu thuộc về các socio thay vì một ông chủ, việc tổ chức bầu cử chủ tịch theo nhiệm kì đôi khi lại đẩy CLB vào sự thiếu ổn định sau mỗi lần thay đổi. Chẳng hạn như tại Barcelona và Real Madrid, những cuộc bầu cử chủ tịch luôn đi kèm với một chiến dịch vận động có liên quan đến chính sách chuyển nhượng cầu thủ. Về cơ bản, các ứng viên có thể thu hút được phiếu bầu nhưng đồng thời họ sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ với những CLB khác, tạo ra tranh cãi, xung đột… và trên hết là làm xấu đi hình ảnh CLB.
Thậm chí, tiếng là dân chủ nhưng các socio không có ảnh hưởng hay quyền quyết định đến chính sách của CLB mà là chủ tịch, chẳng hạn như tại Real Madrid, nơi Florentino Perez thực thi chính sách Galactico; hay cấu trúc lương cầu thủ… Vì thế mà đôi khi, mô hình socio sở hữu không được hiểu đúng nghĩa vì quyền lực tập trung ở chủ tịch CLB.
Điều này giải thích tại sao mô hình 50+1 tại Đức hiện nay được xem là mô hình hiện đại và tiến bộ nhất.