Barcelona: Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt

thứ ba 29-3-2016 22:44:48 +07:00 0 bình luận
Được coi là đội bóng xuất sắc nhất châu Âu thập kỷ gần đây, Barca vẫn phải gánh khoản nợ hơn 300 triệu euro, với quỹ lương ngốn hết 73% doanh thu.

Trong thời gian tới, CLB xứ Catalan cần rất nhiều tiền để gia hạn hợp đồng với các trụ cột quan trọng như Lionel Messi, Neymar…, nhưng ngân quỹ lại không cho phép khi gặp vô số khó khăn để gia hạn hợp đồng với nhà tài trợ Qatar Airways. Để không đẩy tài chính của CLB đứng trước hố sâu của sụp đổ, Barca có lẽ nên thức thời bằng cách bán quyền đặt tên sân cho các đối tác thương mại để thu về một khoản tiền lớn nhằm vượt qua cơn bĩ cực. Suy cho cùng, cái tên Nou Camp ra đời vào năm 1957 chỉ có ý nghĩa đơn giản là “sân mới”, không thiêng liêng đến mức Barca phải thần thánh hoá, cố níu giữ bằng mọi giá để rồi đẩy tương lai CLB vào ngõ cụt.

Barcelona

Trong bóng đá, những gì được coi là truyền thống, là niềm tự hào luôn có chỗ đứng trang trọng, nhưng có những thứ cần phải thay đổi để phù hợp hơn với quá trình thương mại hoá của bóng đá hiện đại. Trào lưu bán quyền đặt tên sân được bắt đầu vào năm 1912, khi đội bóng chày Boston Red Sox của Mỹ đổi tên sân vận động của họ thành Fenway Park. Đổi lại, nhà tài trợ Fenway Park bơm số tiền cho họ. Từ đó đến nay, chuyện bán quyền đặt tên sân đã lan rộng sang những môn thể thao khác như bóng rổ, bóng đá…, như là phương pháp hữu hiệu, nhanh chóng nhất để cải thiện tài chính. Hiện nay, trào lưu bán quyền đặt tên sân trong bóng đá có mặt ở khắp mọi trên thế giới, như Đức, Anh, Úc, Nhật Bản, khu vực Nam Mỹ và nhiều nơi khác. Tại Tây Ban Nha, mọi chuyện mới chỉ manh nha khi mới chỉ có Mallorca làm điều đó. Real Madrid cũng đang tính đến kế hoạch bán quyền đặt tên cho sân Bernabeu, và dự kiến thu về ít nhất 500 triệu euro!

Theo dự đoán của giới phân tích thì nếu Barca quyết định bán quyền đặt tên sân cho các đối tác, họ sẽ đút túi không dưới 20 triệu euro/năm và bản hợp đồng đó có thời hạn không dưới 20 năm, nên CLB xứ Catalan sẽ thu về ít nhất 400 triệu euro. Điều đó cho thấy lợi ích từ việc bán quyền đặt tên sân chẳng khác nào miếng bánh béo bở mà các CLB muốn tận dụng triệt để. Năm 2004, Arsenal bán quyền đặt tên sân Highbury thành Emirates để thu về 142 triệu euro nhưng đến năm 2012, khi họ được Emirates gia hạn, số tiền này được tăng lên thành 214 triệu bảng kéo dài đến năm 2028 dù họ chưa vô địch Premier League lần nào kể từ năm 2004, cũng như lên ngôi ở Champions League. Man City thậm chí còn kiếm được tốt hơn với 506 triệu euro nhờ đổi sân City of Manchester thành Etihad, nhà tài trợ của họ, có thời hạn 10 năm. Tại Bundesliga, hầu hết các CLB đều bán quyền đặt tên sân của mình, trong đó gã khổng lồ Bayern Munich đổi tên sân thành Allianz Arena để thu về 180 triệu euro, với hợp đồng có thời hạn đến năm 2041 từ Công ty bảo hiểm Allianz.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm