Đã có cảnh báo về việc ngày càng hiếm sản phẩm từ lò đào tạo trẻ La Masia trứ danh có mặt trong đội hình Barcelona, điều khiến ban lãnh đạo CLB phải hành động.
Barcelona đang đối phó với những ảnh hưởng của sự suy giảm các cầu thủ “cây nhà lá vườn” trong đội hình bằng cách tăng gấp đôi nguồn đầu tư cho hệ thống đào tạo thanh thiếu niên từ mức 1,25 triệu euro (1,1 triệu bảng) một năm lên 2,95 triệu euro (2,6 triệu bảng).
Việc Ban lãnh đạo CLB quyết định “bơm” tiền cho La Masia vừa khẳng định mối quan tâm về học viện lừng danh từng cung cấp rất nhiều anh tài, những cũng vừa chỉ ra thực tế khó khăn mà Barcelona đang trải qua.
La Masia từng cung cấp 7 trong số 11 cầu thủ Barcelona thường xuyên đá chính đã giành chức vô địch Champions League năm 2009 và 2011 cùng HLV Pep Guardiola. Tuy nhiên, khi đội hình chính Barca đoạt ngôi quán quân La Liga 2014/15, số lượng cầu thủ “cây nhà lá vườn” giảm còn 5 người.
Điều đáng lo ngại hơn cả là khi đội ngũ chiến binh kỳ cựu của La Masia năm xưa, hoặc đã từ giã, hoặc ngày càng lớn tuổi, thì lớp kế cận lại trở nên vô cùng hiếm hoi. Trong suốt những năm qua, gần như không có sản phẩm ưu tú nào “xuất xưởng” lọt được vào đội hình một của Barcelona, ngoại trừ Sergi Roberto - người đã phải thích ứng với nhiều vị trí khác nhau để cạnh tranh được chỗ đứng.
Nhìn lại những cầu thủ lần lượt rời La Masia lên đội một trong thời gian qua, có thể thấy hầu hết đều không thể chiếm được vị trí chính thức trước khi phải ra đi theo dạng cho mượn hoặc bị bán đứt. Từ Christian Tello, Gerard Deulofeu, Bojan Krkic, Pedro, Denis Suarez (mới trở lại) cho đến Munir El Haddadi, Sandro Ramirez, Alen Halilovic, Sergi Samper, Marc Bartra… đều lần lượt rời Nou Camp theo những cách khác nhau.
Mới đây, Barcelona sử dụng 5 cầu thủ “cây nhà lá vườn” ở trận gặp Man City tại Champions League (Pique, Alba, Busquets, Messi và Iniesta), trái ngược với việc không có bất kỳ sản phẩm đào tạo trẻ nào trong đội hình chính của Real Madrid đánh bại Legia Warsaw. Thế nhưng, chính Barcelona phải suy nghĩ về sản phẩm trẻ của mình, khi nhìn vào những tài năng tuổi đôi mươi như Alvaro Morata, Marco Asensio, Lucas Vazquez, Daniel Carvajal đang nâng tầm ảnh hưởng rất lớn tại Real Madrid.
La Masia đã đạt thành công to lớn trong suốt lịch sử 30 năm nhưng dựa rất nhiều vào sự cống hiến của huấn luyện viên tình nguyện và các tuyển trạch viên. Ngân sách được mở rộng sẽ giúp tăng số lượng của đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để giúp các cầu thủ trẻ ngay sau khi họ thực hiện các bước đầu tiên tại câu lạc bộ.
Dự án mới có tên “Masia 360” này có khoảng 600 vận động viên và 200 huấn luyện viên. Nó sẽ giám sát chặt chẽ các vận động viên cả về thời gian khi đang chơi cho Barcelona cũng như chuyển đến đội bóng khác.
Việc Barcelona tăng gấp đôi ngân sách đầu tư cho La Masia là động thái đáng kể để khôi phục danh tiếng lò đào tạo trứ danh của mình. Thế nhưng, con số 2,6 triệu bảng mỗi năm vẫn quá nhỏ bé nếu đem so với các ông lớn tại Premier League.
Lấy ví dụ, hồi năm 2014, Man City đã đầu tư cho học viện đào tạo trẻ trị giá 200 triệu bảng. Ông chủ Roman Abramovich cũng đầu tư 100 triệu bảng để phát triển nguồn lực trẻ cho Chelsea.
Dĩ nhiên, phương thức đào tạo của Barcelona khác với Chelsea, Man Utd, PSG hay Real Madrid, nhưng rõ ràng con số nhỏ nhoi nói trên khiến người hâm mộ không khỏi nghi ngờ về thành quả trong tương lai của La Masia sau giai đoạn được coi là khủng hoảng.
Video: Những pha bóng ấn tượng của "thần đồng" Lee Seung Woo