Ngày 27/12 vừa qua, lần đầu tiên, một buổi tọa đàm chuyên đề về vấn đề “nóng” của thể thao Việt Nam đã được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội.
Buổi tọa đàm do Tổng cục TDTT, Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.
Tại buổi tạo đàm, các diễn giả là lãnh đạo Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện Alphanam Group, các chuyên gia marketting thể thao và luật, đã có những cuộc trao đổi, đối thoại, thuyết trình thẳng thắn, cởi mở và thiết thực với 300 VĐV đang là các tuyển thủ quốc gia của nhiều môn về các nội dung “sát sườn” đối với một VĐV thể thao như khởi nghiệp, đào tạo và đào tạo lại, tìm kiếm việc làm, cơ hội và thách thức đối với VĐV sau khi giải nghệ.
Tại đây, đáng chú ý, đại diện Đại học Kinh tế - Đài học Quốc gia cũng giới thiệu về những điểm nhấn của chương trình đào tạo Cử nhân quản trị kinh doanh cho tài năng thể thao. Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cũng cung cấp những thông tin quan trọng, cùng những giải pháp mang tính cam kết trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, giới thiệu việc làm cho các VĐV.
Được biết, hiện Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia HN đang tiến hành các thủ tục để quyết định trao học bổng toàn phần cho hai ngôi sao của thể thao Việt Nam là Quả bóng Vàng Nguyễn Quang Hải và nhà vô địch châu Á Quách Thị Lan.
Vượt xa mục tiêu và ý nghĩa của một cuộc tọa đàm chuyên đề, cuộc hội thảo này được đánh giá mang tới những câu chuyện, kiến thức, cách thức và bài học bổ ích và thiết thực về khởi nghiệp, đào tạo và việc làm ở lĩnh vực thể thao.
Cuộc tọa đàm cũng đã tạo nên những sự gắn kết quan trọng giữa ngành thể thao với các tổ chức, doanh nghiệp, của xã hội nói chung trong việc cùng chung tay hỗ trợ vấn đề khởi nghiệp, đào tạo, việc làm cho VĐV.
Trên thực tế, chuyện đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho VĐV sau khi giải nghệ của thể thao Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, và đang nổi lên như một vấn đề “nóng”, trong bối cảnh quy mô số môn, số VĐV tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua.
Theo thống kê, nhu cầu thực tế của các cơ sở huấn luyện đào tạo thể thao, các trung tâm thể thao, bộ môn giáo dục thể chất của trường học các cấp trên cả nước cũng chỉ có thể giải quyết được khoảng 15-20% số VĐV giải nghệ, có bằng cử nhân TDTT hay Sư phạm TDTT.
Trong khi đó, Thể thao Việt Nam cũng đang rất thiếu chế độ chính sách riêng cho vấn đề này. Công tác xã hội hóa, mà cụ thể là mảng liên kết đào tạo - việc làm của thể thao Việt Nam với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp ngoài thể thao cũng còn hạn chế.