Những ngày này, trong căn phòng nhỏ đầy ắp kỷ vật, dấu ấn của quá khứ hào hùng, người cán bộ lão thành cách mạng 95 tuổi với giọng nói sang sảng, dáng đi vững chãi Tạ Quốc Bảo luôn dõi theo mọi diễn biến phòng chống dịch của nước nhà.
Ông bảo lúc đầu cũng lo lắm, song sau đó hoàn toàn tin tưởng và yên tâm, với quyết tâm và sự đồng lòng, chung sức của Nhà nước, nhân dân. Trong đó, ông thấy “cảm phục” và cũng “thương yêu” nhất đội ngũ y bác sĩ vượt khó chịu khổ trên tuyến đầu chống dịch.
Như một cái duyên, đúng thời điểm nhiều cảm xúc ấy, ông Bảo được bà Nguyễn Thị Dơn, Trưởng Ban Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị thực dân Pháp giam giữ lúc mới 16 tuổi, thông tin có một chiến dịch rất ý nghĩa mang tên “Xin cảm ơn” vừa được phát động. Qua tìm hiểu, nhất là khi biết chiến dịch này hướng đến các y bác sĩ, ông lập tức quyết định trích một phần lương hưu của mình gửi ủng hộ ngay.
Phải rất khó khăn Webthethao mới thuyết phục được vị Nguyên Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò đồng ý đề cập đến trường hợp mình ủng hộ. Riêng về chuyện ủng hộ cụ thể như thế nào, ông nhắc đi nhắc lại “không nên”, cho dù chúng tôi biết rằng đây là một khoản rất đáng kể so với thu nhập của một người về hưu. Với ông, đây đơn giản là ý thức, tình cảm, trách nhiệm của một công dân trước cộng đồng, trước đất nước.
Vượt lên giá trị cụ thể, tấm lòng và lời cảm ơn chân thành giản dị từ cụ ông 95 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng Tạ Quang Bảo chính là minh chứng sinh động cho sự chung sức đồng lòng của người dân, là niềm cổ vũ động viên lớn đối với các y bác sĩ đang trong cao điểm chống dịch. Phía sau đó, ông còn muốn gửi gắm niềm tin, truyền sức mạnh bằng chính cuộc đời gian lao, hào hùng và không ngừng nghỉ của mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mới 13 tuổi, cậu bé làng Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội đã trở thành liên lạc viên trẻ của khu ủy Bắc Kỳ. 16 tuổi, Tạ Quốc Bảo bị thực dân Pháp bắt khi đang đi rải truyền đơn rồi đưa vào giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1943-1945. Trong quãng thời gian ở nơi “địa ngục trần gian này”, người tù nhỏ tuổi nhất ấy đã rất gan dạ, vượt qua mọi hình thức tra tấn tàn bạo của quân thù.
Nhà tù biến thành trường học cách mạng, nền xi măng làm bảng, vôi tường làm phấn, Tạ Quốc Bảo cùng các chiến sĩ đã âm thầm xây dựng cơ sở trong lòng địch và chiến đấu đến ngày Cách mạng Tháng 8 thành công. Chính những năm tháng được tôi luyện và giác ngộ cách mạng ở Nhà tù Hỏa Lò đã ông luôn bừng gan vững chí, hăng say làm việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên nhiều cương vị và địa bàn khác nhau.
Sau khi nghỉ hưu và cho đến tận bây giờ, ở tuổi 95, ông Tạ Quốc Bảo vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, thiện nguyện. Trong đó, điều đặc biệt, ông có tới 18 năm (2000 – 2017) làm Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò. Hiện tại ông thường xuyên tham dự các sự kiện, nhận lời làm nhân chứng nói chuyện trong các buổi giao lưu với các cơ quan, đơn vị, trường học và các tổ chức đến tham quan, học tập tại Di tích Hỏa Lò.
Và trước lúc chia tay, cụ ông 95 tuổi còn dặn “nếu có đợt mới hay chương trình ủng hộ mới thì nhớ báo để ông tham gia nhé!”