Giấc mơ chiến thắng -Câu chuyện 1: Cựu vận động viên điền kinh Trần Thị Soa

thứ tư 13-4-2016 11:07:14 +07:00 0 bình luận
"Chân đất...huyền thoại" -t ừng 6 lần liên tiếp đoạt vô địch việt dã toàn quốc, dự tranh Olympic 1980, Trần Thị Soa là điển hình cho một lứa VĐV phải chịu nhiều thua thiệt, đã vượt lên nghịch cảnh bằng một niềm tin yêu cuộc sống, thể thao và nỗ lực phi thường.

Tới Olympic trên đôi chân trần 

Sinh năm 1951 tại mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh, chưa đi hết tuổi thơ thiệt thòi thì Soa đã gặp phải nỗi đau lớn mất mẹ, phải cáng đáng gánh nặng cùng cha lo cho 3 em, mà út nhất mới chỉ 8 tháng tuổi. Kể từ đó, chị bước vào một hành trình vượt khó tưởng như bất tận, mà giờ nhớ lại vẫn còn rơi lệ. Ám ảnh nhất là những đêm trắng triền miên chị vừa bế em vừa khóc thương cho gia cảnh mình rồi quần quật hàng ngày làm đủ thứ việc, lên núi chăn trâu kiếm củi, nai lưng ngoài đồng, chợ búa cơm nước… Cuộc sống khắc nghiệt, lúc nào cũng buộc Soa “chạy”, không được phép “lùi” đã khiến chị có một thể lực, sự dẻo dai hiếm có, luôn tự tin - có lẽ là “căn bản” quyết định của một Trần Thị Soa- việt dã.

Năm 21 tuổi, khi cảnh nhà đã đỡ khổ, các em lớn hơn một chút, Soa viết đơn xin tham gia Thanh niên xung phong, cùng các đồng đội hồn nhiên với cảnh “ngủ ngày chân lấm” miễn sao “phá nhiều bom nổ chậm”. Là người khỏe, xông xáo nhất đơn vị nên lúc Hà Tĩnh tổ chức giải việt dã tỉnh 1972, chị đã được cử đại diện dự tranh cho đảm bảo phong trào. Đã biết thể thao với việt dã mô tê gì (dĩ nhiên kỹ năng chẳng có), với chân đất, Soa cứ nhằm thẳng chạy theo bản năng, để cán đích với khoảng cách cả chục mét so với người về sau. Sau đó vào đội tuyển tỉnh chuẩn bị giải toàn quốc, nhưng Soa cũng chỉ có thời gian vài ngày để chuẩn bị trước, vì đơn giản phải tập trung vào nhiệm vụ chính phá bom địch. Ấy thế mà, chị cũng “ẵm” luôn ngôi á quân, trở thành một hiện tượng lạ với giới chuyên môn. Vẫn cứ là “cô gái mở đường” suốt đêm ngày, chỉ được tập trung huấn luyện theo các đợt ngắn hạn, nhưng VĐV Trần Thị Soa liên tục đột phá, nhanh chóng trở thành “chân chạy” nữ hay nhất nước. 

Cựu vận động viên điền kinh Trần Thị Soa 1

 Trong suốt 6 năm, từ 1974 đến 1980, chị không có đối thủ, đều đăng quang một cách tuyệt đối trên đường chạy việt dã quốc gia, chỉ bằng đôi chân trần. Hơn thế, chị còn đoạt thêm 10 HCV toàn quốc các nội dung 800 m và 3.000 m. Ngay cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc lần đầu tiên (1978), Soa đã đứng đầu trên bảng vinh danh. Tại Olympic Moscow 1980, Soa cũng vinh dự góp mặt, gây ấn tượng đặc biệt với một thành tích tốt, mà vẫn chỉ trên…đôi chân trần. Hồi ấy, các báo thể thao của nước chủ nhà đã phỏng vấn và có một số bài viết đầy cảm xúc về nữ VĐV chân trần này.

Cho đến giờ, Trần Thị Soa vẫn được coi là nữ tuyển thủ điền kinh hay nhất nước, mà một huyền thoại việt dã khác là Bùi Lương tiếc rẻ “nếu có điều kiện phát triển như hiện giờ, Soa đủ sức vươn lên tầm thế giới”.

Không “thoát” khỏi số phận 

Khổ từ nhỏ, những tưởng những kỳ tích thi đấu có thể giúp Trần Thị Soa có thể “đổi đời” phần nào, nhưng thật nghịch lý chính thể thao lại khiến chị lao đao cả đời, thậm chí lâu nay còn là “biểu tượng” buồn cho số phận của các VĐV sau khi giải nghệ. Từ vinh quang, chị đã trở lại cuộc sống thường nhật với hai bàn tay trắng: không bằng cấp, không vốn liếng, không nhà cửa… Trầy trật mãi, có lúc định về quê làm nông dân, niềm tự hào của TTVN mới được người ta bố trí cho một công việc “văn phòng”, thực chất là lo tạp vụ, vệ sinh, cắt cỏ SVĐ Vinh, tưởng như “tạm bợ” mà rốt cuộc “bám” lấy chị mãi, khi mà những lời hứa hẹn, cam kết này nọ nhanh chóng đi vào lãng quên. Lập gia đình với một lái xe cùng cảnh khổ, cũng phải mấy năm, vợ chồng chị mới được phân một căn hộ tập thể vỏn vẹn 30m vuông, ngay sau đoàn bóng đá Sông Lam, cứ hễ nắng thì cực nóng, mưa lại dột.

Đã thế, ông trời cũng lại chẳng thương người khổ, tiếp tục giáng bất hạnh lên đầu vợ chồng chị. Cậu con trai đầu lòng đang khỏe mạnh, đến 7 tuổi đột nhiên lăn đùng ra ốm, rồi sinh ra liệt chân tay, nằm đâu nằm đấy, dù bố mẹ đã chạy khắp nơi chữa trị. Suốt cả chục năm nay, bao nhiêu công sức, tiền của của hai vợ chồng chị đều “đổ vào” cho con, với hy vọng lành bệnh lớn lao, nhưng rốt cuộc đều vô hiệu. Ngày trước thức đêm bế em khóc thương mẹ thì sau này chị lại phải trải nghìn đêm trắng trông con, khóc thương chính mình. Than thân trách phận thế thôi, nhưng người phụ nữ can trường này chưa bao giờ chấp nhận gục ngã, mà luôn vượt qua cho bằng được, để làm nên những kỳ tích đời sống thực sự. 

Cựu vận động viên điền kinh Trần Thị Soa 2

 Người xây ngôi nhà “giá trị” nhất Việt Nam 

Ngôi nhà cấp 4 ấy được xây trên nền phòng tập thể cũ, cũng chỉ đơn sơ và bình dị, nhưng xứng đáng được coi là “giá trị” vào loại nhất nước, bởi đơn giản hiếm có một công trình nào có được từ sự kỳ công, khổ sở đến vậy của chủ nhân (đằng sau đó là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt). Không có tiền trong khi phòng quá cũ và dột, chị Soa đã phải “việt dã” chuẩn bị xây nhà bằng cách độc nhất vô nhị: cứ chiều chiều lại kéo xa ba gác đi khắp nơi để mót từng viên gạch, ngói vỡ, mang về chất thành đống trước nhà. Mất đúng 2 năm rõng rã như vậy, chị mới tích đủ để đóng thành 1000 viên (hỗn hợp gạch, ngói, xi măng và cát), rồi chạy vạy mấy chục triệu đồng để xây nhà. Chỉ nửa năm là xong nhà, nhưng phải mất đến 5 năm, gia đình chị mới trả hết nợ.

Cũng chính vì món “nợ” nhà và lo cho con (ngoài cậu cả bệnh tật, còn hai em nữa), dù đã nghỉ hưu nhưng huyền thoại điền kinh Việt Nam sẵn sàng làm mọi việc vất vả, miễn là chính đáng để có thêm nguồn thu nhập, như bán vé bóng đá ngoài cổng SVĐ, cọ rửa toilet. Tức là, đến già thì Trần Thị Soa vẫn chưa hề biết đến một ngày nhàn hạ, lúc nào cũng canh cánh lo toan, mà hình như từ sau Olympic Moscow 1980 chị mới chỉ vài lần ra khỏi TP Vinh.

Khổ đến thế là cùng, song Trần Thị Soa chẳng bao giờ hối tiếc khi đã dâng trọn quãng đời đẹp nhất của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho thể thao. Với chị những hồi ức thể thao (đặc biệt kỳ Olympic Moscow) vẫn luôn sống động, là động lực giúp chị vượt qua mọi trở ngại. 

Cựu vận động viên điền kinh Trần Thị Soa 3

Mời các bạn đón xem câu chuyện đời thực của huyền thoại Trần Thị Soa trên chương trình Giấc mơ chiến thắng phát sóng vào 19h50 hôm nay (27/3) trên kênh Thể Thao Tin Tức HD.

  

Chương trình đã gửi ủng hộ 5.000.000 VNĐ đến bà Soa và cũng mong các bạn- những người yêu thể thao cùng đồng hành, chung tay, giúp đỡ.

Mọi đóng góp xin gửi về:

Tên TK: Nguyễn Thị Hiền (con gái bà Soa)

Số TK: 3600215005486

Ngân hàng Nông Nghiệp Việt Nam- Chi nhánh TP.Vinh, Nghệ An

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm