Sau đúng 10 năm, Việt Nam mới tái chiếm được vị trí Nhì mà… như Nhất này.
Dù còn một số nội dung tranh tài trong sáng 11/12, song thể thao Việt Nam đã chắc chắn vượt qua Thái Lan để đứng thứ hai trên bảng xếp hạng toàn đoàn SEA Games 30, với khoảng cách 6 HCV ( 98 và 92). Đây là lần đầu kể từ SEA Games 2009, thể thao Việt Nam mới tái chiếm được vị trí này. Càng ngọt ngào hơn vì đó là thành quả có được sau một cuộc đua tranh đầy hấp dẫn, quyết liệt với người Thái, nền thể thao luôn được đánh giá có sức mạnh và sự toàn diện vượt trội trong khu vực.
Kể từ SEA Games 2003 lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn, thể thao Việt Nam đã luôn giữ vững một vị trí trong Top 3 toàn đoàn. Tuy nhiên, sau đó, chỉ duy nhất một lần, tại SEA Games 2009, chúng ta đoạt hạng Nhì, còn lại đều phải rất khó khăn mới giữ được hạng Ba. Đến SEA Games 30, sau đúng 10 năm, thể thao Việt Nam mới lại có thêm một lần tái chiếm được hạng Nhì.
Với ngôi Nhì toàn đoàn cùng thực tế ở các môn Olympic, SEA Games 30 được coi là kỳ Đại hội thành công bậc nhất của thể thao Việt Nam, thậm chí hơn cả lần đoạt ngôi đầu năm 2003. Điều đó được thể hiện qua các lý do cơ bản.
Thứ nhất, lần đầu tiên, Việt Nam đã thắng Thái Lan thuyết phục trong cuộc đua toàn đoàn một kỳ SEA Games tổ chức ở một quốc gia khác. Cách đây 10 năm, tại SEA Games 2009 do Lào đăng cai với những thuận lợi cực lớn về chương trình thi đấu, khán giả, Việt Nam cũng không thể “qua” được người Thái. Khi đó, Việt Nam đã liên tục dẫn đầu cho đến ngày áp chót, song vẫn để người Thái bứt lên vào phút cuối, đành ngậm ngùi đứng thứ hai.
Thứ hai, quan trọng hơn, thể thao Việt Nam đã đoạt ngôi Nhì toàn đoàn SEA Games 30 với chất lượng tranh tài và giá trị của những thành tích rất cao, phần nào đó hơn hẳn Thái Lan. Việt Nam chỉ tham dự 43 trên tổng số 56 môn của Đại hội song đã đoạt tới 98 HCV. Trong đó, chúng ta không chỉ lần đầu đoạt tấm HCV danh giá nhất bóng đá nam, mà còn đoạt cả HCV bóng đá nữ.
Việt Nam tiếp tục qua mặt Thái Lan để đứng đầu môn cơ bản nhất điền kinh (16 HCV so với 14 HCV). Việt Nam cũng xếp thứ hai môn cơ bản hàng đầu khác là bơi với 11 HCV, trong khi Thái Lan không có nổi một lần đăng quang. Bất chấp phải cạnh tranh với nhà ĐKVĐ Olympic Marcos Yulo, TDDC Việt Nam vẫn đoạt 3 HCV để khẳng định Quần vợt Việt Nam cũng lần đầu có HCV, ở nội dung sáng giá đơn nam, kèm theo 2 HCB và 1 HCĐ.
Trước SEA Games, lãnh đạo đoàn chỉ đặt ra chỉ tiêu giành 65 – 70 HCV. Chung cuộc đích nhắm này đã được vượt rất xa, với 98 lần đăng quang, khi hàng loạt ĐTQG, nhất là các môn trọng điểm thế mạnh, đều đã đạt và hơn rất nhiều chỉ tiêu.
Trên thực tế, vị trí thứ Nhì toàn đoàn này của Việt Nam được đánh giá là như Nhất, đơn giản vì chủ nhà Phillippines đã bước lên ngôi cao nhất chủ yếu nhờ chương trình thi đấu quá lợi thế. SEA Games trước, họ chỉ đứng thứ 6, và đến SEA Games sau có thể khẳng định trước sẽ văng xa khỏi Top 3.