Từ lâu, Silat đã là thế mạnh của thể thao Việt Nam ở các kì đại hội thể thao khu vực (SEA Games và ASIAD), đặc biệt ở những nội dung đối kháng.
Trong 10 năm trở lại đây, các võ sĩ Silat của chúng ta đã mang về hàng loạt danh hiệu tầm cỡ như kì tích 4 lần vô địch thế giới của VĐV Nguyễn Duy Tuyến, hay chiến tích 2 tấm huy chương Vàng ASIAD 18 của Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam.
Tuy nhiên, ở kì SEA Games 30 tại Philippines, nước chủ nhà đã loại trừ hầu hết các đội dung đối kháng thế mạnh của Silat Việt Nam như các hạng cân nam trên 70kg, chỉ giữ lại 3 hạng cân dưới 50kg, 55kg và 65kg nam, dưới 55kg, 50kg nữ.
Điều đó khiến thành tích của bộ môn này tại kì đại hội khu vực năm 2019 của đoàn thể thao Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, chỉ với 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.
Dựa trên tiêu chí giảm bớt các môn thi đấu nhưng bổ sung đầy đủ các nội dung, môn Silat tại SEA Games 31 tháng 5 năm 2022 sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục trở thành hi vọng vàng của thể thao Việt Nam.
Trong danh sách tập trung 5 huấn luyện viên, 27 vận động viên của đội tuyển Silat quốc gia 2022 vừa được công bố, nhiệm vụ đầu tàu dẫn dắt các võ sĩ vẫn được tin tưởng giao cho chiến lược gia sinh năm 1976, HLV trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các đồng nghiệp.
Đặc biệt, trong số 19 vận động viên nội dung Tanding (đối kháng), nhà VĐTG Nguyễn Duy Tuyến sẽ hội quân trở lại với đồng đội sau khi dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Các nhà vô địch ASIAD Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam cũng góp mặt để tăng cường lực lượng.
Tháng 12 vừa qua, giải Vô địch Silat Quốc gia cũng áp dụng luật thi đấu mới theo hệ thống quốc tế. Nhiều đòn thế được đưa vào sử dụng như chỏ, gối, túm kéo, đánh ngã, cắt kéo... buộc các vận động viên phải dành thêm thời gian thích nghi. Theo dự đoán của HLV Nguyễn Văn Hùng, các võ sĩ đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore sẽ là những trở ngại lớn, bởi nền tảng thể lực và khả năng thích ứng tốt với tiêu chí thi đấu mới.