Ánh Viên "gánh" hơn một nửa chỉ tiêu SEA Games 2019
Ở kỳ SEA Games trên đất Philippines, bơi lội Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu với 11 HCV, 7 HCB và 9 HCĐ. Trong số đó, Ánh Viên đóng góp hơn 1 nửa số HCV với con số 6. Ngoài ra, cô còn giành thêm 2 HCB.
Kình ngư sinh năm 1996 trở thành VĐV giành nhiều huy chương nhất đại hội và được vinh danh ở lễ bế mạc. 6 HCV Ánh Viên giành được ở các nội dung 100m ngửa, 200m ngửa, 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp, 200m tự do và 400m tự do.
Ngoài Ánh Viên, bơi nữ Việt Nam chỉ có thêm một VĐV giành huy chương. Đó là Lê Thị Mỹ Thảo với tấm HCĐ ở nội dung 200m bướm.
Ở nội dung nam, bơi lội Việt Nam ghi đậm dấu ấn với 3 kình ngư Trần Hưng Nguyên, Huy Hoàng, Trần Tấn Triều. Huy Hoàng độc chiếm cự ly trung bình và dài. Anh xác lập hai kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400m và 1.500m tự do.
Trần Hưng Nguyên là hiện tượng thú vị. Ở SEA Games 30, lúc mới 16 tuổi, kình ngư quê Quảng Bình giành HCV ở hai nội dung 200m và 400m hỗn hợp trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn. Thậm chí, anh còn phá kỷ lục của đàn anh Nguyễn Hữu Kim Sơn ở cự ly 400m với thành tích 4:20.65.
Ở cự ly bơi biển đường dài 10km, Trần Tấn Triều về nhất với thông số 1 giờ 53 phút 31 giây. HCB thuộc về Huy Hoàng với 1 giờ 55 phút 37 giây. Ngoài ra, Phạm Thanh Bảo, lúc đó 18 tuổi giành HCB ở hai nội dung 100m và 200m ếch. Anh vượt kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m ếch nhưng vẫn xếp sau kình ngư của Thái Lan Nuttapong Ketin.
Đó là kỳ SEA Games thành công của bơi lội Việt Nam khi xếp thứ 2 toàn đội với 11 HCV, sau đoàn Singapore (23 HCV).
Khoảng trống hậu Ánh Viên có được lấp đầy?
Theo bà Lê Thanh Huyền, trưởng bộ môn bơi Tổng cục TDTT, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ dự SEA Games 31 với 32 VĐV, tham dự đủ 40 nội dung của môn này. Mục tiêu HCV của bơi Việt Nam kỳ này là 6-8 tấm, duy trì vị trí thứ hai toàn đoàn.
Mục tiêu đã giảm so với kỳ SEA Games trước. Điều này cũng dễ hiểu khi Ánh Viên không tham dự. Theo giới chuyên môn, Ánh Viên hoàn toàn có thể giành 3-4 HCV nếu tham dự SEA Games 31.
Tuy vậy, kình ngư quê Cần Thơ quyết định từ giã đội tuyển quốc gia. Bơi lội Việt Nam chỉ còn trông chờ vào các hạt giống đỏ lứa kế cận. Tuy vậy, các đàn em ở nội dung nữ khó tranh chấp HCV khi chủ yếu dựa vào hai kình ngư Phạm Thị Vân và Lê Thị Mỹ Thảo.
Theo thống kê từ Hiệp hội thể thao dưới nước thế giới (FINA), Lê Thị Mỹ Thảo góp mặt ở các giải bơi bể 50m gần nhất vào tháng 10/2020 tại Việt Nam. Gần 2 năm qua, các thông số của kình ngư quê Quảng Bình này vẫn là ẩn số.
Ở giải đấu bể 50m gần nhất tại giải VĐQG 2021 vào cuối tháng 12 năm ngoái, Ánh Viên giành đến 8/10 HCV cá nhân. Cô thất bại trước đàn em Phạm Thị Vân ở nội dung 50m tự do. Tuy vậy, kình ngư sinh năm 2005 chỉ đạt thông số 26.44. Thông số này kém hơn cả HCĐ ở SEA Games 30, thuộc về VĐV Philippines Jasmine Alkhaldi (25.48).
Cả hai đều thi đấu sở trường ở các cự ly ngắn và trung bình. Các kình ngư đến từ Singapore thường xuất sắc ở các cự ly này. Phạm Thị Vân và Lê Thị Mỹ Thảo sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với dàn sao đến từ Singapore như Quah Ting Wen, Amanda Lim, Gan Ching Hwee, Elena Lee, Quang Jing Wen,… hay kình ngư giàu kinh nghiệm và là số 1 của Malaysia Phee Jinq En.
Việc Ánh Viên không tham dự SEA Games 31 khiến bơi lội Việt Nam trông chờ vào các tay bơi nam.
Ở SEA Games 30, Nguyễn Huy Hoàng giành 2 HCV ở nội dung 400m tự do và 1.500m tự do. Tại giải đấu này, BTC không đưa vào nội dung 800m. Đây là thế mạnh của Huy Hoàng. Kình ngư quê Quảng Bình đang thống trị hai nội dung 800m và 1.500m ở cấp độ châu Á.
Hiện tại, thông số ở nội dung 1.500m tự do tại Olympic Tokyo của Huy Hoàng là 15:00.24. Ở nội dung 800m là 7:54.16. Ở lần thi đấu gần nhất tại giải bơi thế giới bể 25m vào cuối năm 2021, thông số của Huy Hoàng lần lượt là 7:49.67 (800m tự do), 14:41.00 (1.500m tự do) và 3:43.89 (400m tự do). Các thông số này có tính chất tham khảo khi SEA Games 31 sẽ tổ chức thi đấu bể 50m.
Dù vậy, chỉ cần thi đấu đúng phong độ, Huy Hoàng có thể giành trọn 3 HCV ở các nội dung tham dự.
Trần Hưng Nguyên vẫn duy trì phong độ ở các nội dung hỗn hợp. Đó sẽ là thế mạnh của kình ngư quê Quảng Bình này. Bơi lội Việt Nam có thể trông chờ vào sự đột phá của Hưng Nguyên.
Ngoài ra, Phạm Thanh Bảo cũng là niềm hy vọng vàng. Nuttapong Ketin, VĐV của Thái Lan vượt Thanh Bảo ở nội dung 200m ếch, sẽ bước sang tuổi 30. Sức trẻ cùng sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian qua giúp Thanh Bảo được đánh giá cao ở nội dung này.
Hoàng Quý Phước hay Paul Lê Nguyễn được chờ đợi có sự bứt phá ở các nội dung tham dự. Kình ngư Việt kiều Paul Lê Nguyễn vừa phá 5 kỷ lục quốc gia ở giải bơi bể 25m vừa kết thúc ở Huế vào tháng 3/2022. Trong khi đó, Hoàng Quý Phước tìm lại phong độ trong thời gian gần đây.
Do đó, bơi lội Việt Nam có thể hy vọng sẽ hoàn thành chỉ tiêu giành 6-8 HCV ở SEA Games 31.