Gia đình trong đội tuyển
Tại giải bowling Vô địch Toàn quốc 2021 ở Hà Nội vừa được livestream hoành tráng, đoàn Hải Phòng có 14 thành viên, bao gồm cả trưởng đoàn thì có tới 4 người cùng chung một gia đình. Đó là vợ chồng ông bà Trần Như Hiền và Nguyễn Ngọc Thoa cùng con gái Trần Thu Thủy tham gia thi đấu, còn con rể Đỗ Ngọc Vinh được đăng ký làm huấn luyện viên.
Chỉ riêng hiện tượng cả bố mẹ lẫn con và rể cùng trong đội tuyển thật sự là chuyện xưa nay hiếm, không chỉ riêng thể thao Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thông thường làng thể thao chỉ chứng kiến những cảnh cha con đại chiến như ở môn billiards, Dương Anh Vũ từng thắng cha anh là danh thủ Dương Hoàng Anh trên đường đến ngôi Vô địch Quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp.
Hoặc độc đáo hơn là trong mấy năm qua khi đánh giải, Dương Anh Vũ không ít lần phải chứng kiến cảnh vợ Huỳnh Thị Ngọc Huyền với em gái Dương Thúy Vi tranh chấp ngôi cao. Thế nhưng, cả cha mẹ lẫn các con đều tranh tài trong cùng một bộ môn như nhà Trần Thu Thủy có thể xem như phiên bản độc nhất, vô nhị.
Cô Nguyễn Thị Thoa - mẹ của bowler Trần Thu Thủy - cho biết: "Hai vợ chồng tôi, cả chồng tôi là Trần Như Hiền và con gái Trần Thu Thủy, cộng với con rể Đỗ Ngọc Vinh là 4 thành viên trong đoàn thể thao Hải Phòng, sát cánh bên nhau chục năm nay rồi. Năm đầu tiên, thời điểm đó tôi 51 tuổi. Chú sinh năm 1954, năm nay chú 67 tuổi, thời gian đó chú 57 tuổi. Con gái Trần Thu Thủy sinh năm 1985. Bạn ấy chơi trước, tham gia từ mấy năm trước đó, sau đó vợ chồng tôi tham gia cùng các con.
Từ 2011 đến giờ, năm nào gia đình cũng cùng tham gia giải VĐQG. Vì mỗi một năm đều tổ chức giải VĐQG 1 lần. Nhưng ngoài giải Quốc gia đó còn có giải Vô địch các CLB và giải Các đội mạnh toàn quốc. Tất cả các giải đó, cả gia đình đều tham gia luôn. Bao giờ cũng sát cánh bên nhau. Không bao giờ thiếu một thành viên nào trong gia đình cả".
Con truyền, ba má nối
Nguồn cảm hứng bowling từ Trần Thu Thủy truyền sang không chỉ tạo ra một gia đình thể thao thú vị như vậy. Cả thế giới vốn đã quen với câu "cha truyền, con nối", đến như câu chuyện về nhà Dương Anh Vũ cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng, lộ trình tạo dựng "bộ tứ" của nhà Trần Thu Thủy lại đi ngược với xu thế đó.
Ở nước ngoài về, chồng của Trần Thu Thủy biết bowling, nhưng không mê lắm. Nhưng khi giới thiệu cho vợ chơi bowling, anh lại bị nguồn cảm hứng của Trần Thu Thủy lan tỏa nên cũng trở thành "tín đồ" môn bóng gỗ. Vợ chồng Trần Thu Thủy mời bố mẹ thử chơi bowling để giải trí và rèn luyện sức khỏe.
Nào ngờ bố mẹ cô cũng yêu thích môn này tới mức tập luyện riết rồi đủ sức đi thi đấu, lấy giải thưởng tuần và tháng ở các sàn trước lúc khoác áo tuyển Hải Phòng tranh tài ở đẳng cấp Quốc gia. Nói cách khác, "truyền thống" bowling của nhà Trần Thu Thủy theo xu hướng "con truyền, ba (mẹ) nối".
Cô Nguyễn Thị Thoa nhớ lại: "Hôm đó là kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ, thế là hai bạn mới bảo đi ăn gia đình, liên hoan, xong rồi bảo con dẫn ba mẹ lên đây chơi. Con gái với con rể bảo bố mẹ chơi cái này hay lắm. Thế là vợ chồng tôi lên chơi. Không hiểu làm sao, đúng là có duyên ấy, lần đầu tiên chơi đã cảm thấy gắn bó với bộ môn này. Đam mê luôn. Thế là sau đó chơi thường xuyên.
Đầu tiên khi chơi chỉ nghĩ bộ môn này giúp rèn luyện sức khỏe thôi. Nhưng sau khi chơi, tất nhiên là cũng phải có duyên và có chút gì đó cảm thấy chơi có kết quả nhất định, ví dụ khi chúng tôi tham gia chơi ở những sàn tại Hải Phòng thì cũng có những giải nhỏ - giải tuần, giải tháng. Trong quá trình tham gia, chúng tôi cũng đạt những thành tích nhất định. Ví dụ như giải tháng có thể được nhất, được nhì. Từ đó trở đi, chúng tôi phát triển dần lên.
Sau đó các cháu thấy bố mẹ chơi có thành tích, các cháu mời bố mẹ vào đội Hải Phòng. Thế là từ đó tới nay, giải lớn, giải nhỏ đều thi đấu đều. Trước kỳ Đại hội Thể dục Thể thao 2018 tổ chức tại Hà Nội, có mời vận động viên người Đài Loan A Lan về tập luyện cho team khoảng vài tháng trước khi thi đấu. Còn lại hàng ngày, hàng tuần, team tự tập luyện với nhau, tự hướng dẫn, bảo ban nhau".
Còn ném được, còn chơi tiếp
Nguồn cảm hứng bowling từ Trần Thu Thủy mạnh mẽ tới mức sau khi nghỉ hưu, bố mẹ cô chuyển vào TPHCM do nơi đây có nhiều sàn bowling hơn Hải Phòng, nên có điều kiện thi đấu, giao lưu nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Thoa xác nhận: "Thời gian trước dành 1 tuần khoảng 3-4 buổi. Thời gian này cũng rỗi rãi, chúng tôi cũng nghỉ hưu cả rồi, nên có khi 1 tuần 7 ngày tham gia cả 7 ngày luôn.
Tại vì bây giờ vợ chồng tôi vào trong TPHCM, trong đó có rất nhiều sàn bowling, họ cũng tổ chức nhiều giải lắm, cũng giải tuần, giải tháng, giải đôi, giải ba... Vợ chồng tôi tham gia hết. Gần như tối nay ở sàn này, mai ở sàn kia chẳng hạn. Có đến 4-5 sàn trong đó mà, cho nên tham gia thi đấu đều đều".
Cũng từ lúc đam mê bowling, ông bà Trần Như Hiền và Nguyễn Thị Thoa mới hiểu được tại sao lúc vừa sinh con, Trần Thu Thủy thỉnh thoảng lại sang nhà xin gửi con để đi có việc. Cô Nguyễn Thị Thoa bật cười tiết lộ: "Và tôi mới biết tại sao thời gian trước, con gái mới sinh mà cứ tối thấy Thủy gửi con, bảo con đi có việc mà đến 11 giờ mới về. Tôi chưa rõ là Thủy đi đâu. Bây giờ mới phát hiện, Thủy nói là đấy, con đi xem bowling. Bây giờ bố mẹ lên chơi, bố mẹ biết Thủy đam mê như thế nào. Đôi lúc cứ sang gửi con cho ông bà rồi đi".
Một khi đã đam mê, nhất là cả nhà đều chơi bowling, mọi khó khăn dường như biến sạch, chỉ còn lại đầy thuận lợi. Cô Nguyễn Thị Thoa khẳng định: "Thuận lợi là cả gia đình đi chơi thì có sự gắn kết, tình cảm, động viên nhau. Nói chung cũng có rất nhiều thuận tiện. Khó khăn thì không có khó khăn gì, vì khi tham gia, mọi thành viên đều đã sắp xếp mọi công việc.
Vì trước khi có giải đấu đều có thời gian dài để chuẩn bị, chứ không phải nói là đi. Cho nên mọi thứ đều trở thành thuận lợi hết. Cô chú chỉ khi nào cảm thấy sức khỏe không cho phép nữa thì lúc đó mới ngừng. Khi nào không cầm nổi trái banh lên nữa thì lúc đó bắt buộc mình phải dừng. Còn bây giờ vẫn cầm được trái banh, còn ném được thì vẫn còn chơi tiếp".
Trần Thu Thủy cũng đồng ý: "Khi có đam mê rồi thì ta sẽ có thời gian. Với chuyện con cái thì tôi biết cách để sắp xếp. Ví dụ ban ngày tôi dành cho công việc, buổi chiều dành cho gia đình, tôi sẽ tranh thủ tập từ tầm 5-7 giờ và sau đó ở nhà sẽ chơi và trò chuyện với con.
Hầu hết bowler ở Việt Nam đều là bán chuyên nghiệp. Tôi cũng vậy. Ngoài đam mê bowling, tôi cũng có kinh doanh. Hai vợ chồng cùng làm chung một công việc. Trước mắt mục tiêu của tôi là một vận động viên bowling. Trong khả năng của tôi, tôi sẽ cố gắng là một vận động viên tốt nhất. Tôi sẽ không dừng đam mê và chơi bowling".
Cô Nguyễn Thị Thoa nói thêm: "Trần Thu Thủy có cháu gái học lớp 9, cháu trai học lớp 4. Các cháu tối nào cũng gọi điện. Ông bà phải livestream cho các cháu xem. Các cháu cổ động, động viên ông bà từ xa. Các cháu cũng đam mê bowling. Ông bà và bố mẹ chơi thì các cháu cũng chơi. Bố mẹ cũng sắm cho con banh bowling bé để các cháu tham gia tập luyện, nói chung cũng đam mê. Khi ông bà với bố mẹ thi đấu, các cháu theo dõi thường xuyên, động viên thường xuyên luôn".