Đến với Malaysia những ngày này, có thể cảm nhận bầu không khí Đại hội thể thao Đông Nam Á ở những khu trung tâm mua sắm sầm uất. Tháp đôi Petronas là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất Malaysia, bất kể SEA Games có diễn ra hay không.
Ế ẩm sản phẩm ăn theo SEA Games
Phía tiền sảnh tháp đôi luôn tấp nập khách du lịch. Ai cũng chen vai thích cách để chọn cho mình vị trí thật đẹp, chụp ảnh check in "sống ảo". Niềm tự hào của Malaysia từng là tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao hơn 400m tương ứng với 88 tầng.
Chiếc cầu nối giữa 2 tháp ở vị trí tầng 42 & tầng 43, ở độ cao 170m có biểu tượng như chữ “M” (Malaysia) đạt kỷ lục về chiếc cầu cao nhất thế giới là nơi mà khách du lịch có thể lên tham quan ngắm cảnh.
Số tiền thu được từ bán vé lên tham quan tháp đôi và bán đồ lưu niệm hàng năm rất lớn. Ở sảnh dưới tòa tháp đôi, ngay cạnh quầy mua vé là cửa hàng trưng bày rất nhiều quà tặng lưu niệm liên quan đến ngọn tháp đôi nổi tiếng: đồng hồ, quần áo, mũ...có hình tháp đôi đều hái ra tiền.
Ở mùa SEA Games, một quầy hàng bán đồ lưu niệm được bày ở góc dễ nhận thấy bởi Petronas là một trong những nhà tài trợ. Ngoài các sản phẩm truyền thống như mũ, áo, các món quà ăn theo SEA Games đều rất thiết thực với các CĐV khi đi xem thể thao: chiếc quạt máy, khăn ướt hay bình nước. Giá của các sản phẩm đều khá mềm, khoảng từ 4RM (tương đương 21.000 đồng) cho tới 200 RM.
“Các món quà tặng SEA Games được chúng tôi bày từ đầu tháng 8 để chào đón sự kiện”, anh chàng bán hàng chia sẻ. “Những người biết đến SEA Games hầu hết là khách châu Á, khách châu Âu hầu như không biết”.
Theo quán sát, không có nhiều khách chú ý đến các sản phẩm của SEA Games, trừ người Malaysia.
Tại một cửa hàng lớn bán đồ SONY, một nhà tài trợ khác của SEA Games, ở khu thương mại sầm uất Kuala Lumpur Convention Center ngay cạnh đó, màu sắc SEA Games có thể dễ nhận thấy ngay từ lối vào.
Thậm chí cửa hàng này còn bố trí người mẫu chân dài để chào mời bán tivi song chiêu này dường như không hiệu quả là bao.
Thích SEA Games nhưng... không đi xem
“Tôi biết SEA Games vì tôi thích bóng đá. Tôi yêu Liverpool, anh thấy logo đây không?”, Basri, anh chàng bán ống lens phục vụ khách du lịch tại phía chân tòa tháp đôi chỉ vào chiếc áo Liverpool màu đen hỏi. “Tôi không được học nhiều”, chàng trai sinh năm 1989 nói với người viết như giải thích cho vốn tiếng Anh vừa đủ để giao tiếp của mình.
Basri bán ống lens cho khách du lịch chụp ảnh được vài năm. Đội quân bán ống len như Basri ở tòa tháp đôi rất đông đảo nhưng chẳng mấy ai biết rõ về SEA Games. 10 Ringit cho một ống lens cỡ nhỏ, 30 RM cho một ống to giúp các khách du lịch thu trọn tòa tháp đôi vào tầm ngắm của chiếc điện thoại.
Basri là một trong số rất ít những “tiểu thương” Malaysia ở ngay chân tháp đôi Petronas quan tâm đến SEA Games và các trận bóng đá khi được hỏi.
Nhưng các trận tranh tài ở SEA Games trong những ngày tới chưa đủ hấp dẫn để kéo Basri tạm thoát khỏi cuộc sống cơm áo gạo tiền. “Tôi cũng không chắc tôi sẽ đi xem được. Nhà tôi ở xa lắm. Tôi bán từ sáng đến tối. Mỗi ngày được khoảng từ 100 đến 200 RM”.
Thật khó để Basri bỏ kiếm tiền 1 ngày để đi xem SEA Games. Có lẽ, chỉ trừ khi SEA Games diễn ra dưới chân tháp đôi Petronas.
Malaysia, quốc gia thu hút gần 30 triệu khách du lịch mỗi năm, đang tung các chiêu để khiến khách du lịch phải chi tiền nhân sự kiện SEA Games 2017.
Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một trong những cường quốc về du lịch. Theo thống kê của cơ quan du lịch Malaysia, lượng khách du lịch đến với Malaysia trong 3 năm trở lại đây vẫn tăng đều bất chấp sự cố xảy ra với chiếc máy bay MH370 năm 2014. Năm ngoái, Malaysia đã đón tiếp 26,8 triệu lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước đó.