Thái Lan đặt chỉ tiêu HCV SEA Games 32 cao gấp rưỡi Việt Nam

Nguyễn Nhanh
thứ bảy 18-3-2023 11:44:00 +07:00 0 bình luận
Quyết tâm lấy lại vị thế số 1, thể thao Thái Lan đặt ra chỉ tiêu giành số HCV cực cao tại SEA Games 32 tới đây, thậm chí cao gần gấp rưỡi so với Việt Nam

Trong nỗ lực quyết tâm lấy lại vị thế nền thể thao số 1 khu vực tại đấu trường SEA Games, Thái Lan vừa đề ra chỉ tiêu số lượng HCV cho kỳ đại hội sẽ khởi tranh tại Campuchia vào giữa tháng 5 tới đây.

Được biết, tại cuộc họp mới nhất giữa Ủy ban Olympic Thái Lan và Quỹ phát triển Thể thao quốc gia, hai cơ quan này đã thống nhất khoản ngân sách chi cho đoàn Thể thao Thái Lan tham dự SEA Games 32 (và ASEAN Paragames 2023) cũng như kế hoạch chỉ tiêu giành huy chương ở Đại hội.

Cụ thể, đoàn Thể thao Thái Lan sẽ được cấp khoản kinh phí lên tới 156 triệu bạt, tương đương khoảng 4,42 triệu đô la. 

Riêng tại SEA Games 32, các VĐV Thái Lan sẽ tham dự ở đủ 36 nội dung thi đấu chính thức và họ được kỳ vọng chỉ tiêu sẽ giành 164 HCV trong tổng số 583 bộ huy chương.

Thể thao Thái Lan quyết giành lại ngôi vị số 1 ở SEA Games 32 tới đây ở Campuchia

Chỉ tiêu trên cao gần gấp đôi số HCV Thái Lan giành được ở hai kỳ SEA Games gần nhất, đều là 92 HCV, tại Philippines 2019 và ở Việt Nam 2021. Và nó cũng cao gần gấp rưỡi so với chỉ tiêu HCV của đoàn Thể thao Việt Nam đã đề ra ở đại hội tại Campuchia (100-110 HCV).

Rõ ràng, với bối cảnh SEA Games tổ chức ở Campuchia, nếu nhìn vào chỉ tiêu 164 HCV có thể thấy Thái Lan quyết lấy lại ngôi vị số 1 tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực, điều họ không thể làm được kể từ SEA Games 2015 tại Singapore, nơi Thái Lan xếp nhất toàn đoàn với 95 HCV.

-->>> Bản quyền truyền hình SEA Games 32 quá cao, Việt Nam mua còn Thái Lan từ chối?

Dự kiến chỉ tiêu HCV của thể thao Thái Lan ở SEA Games 32 cao gần gấp rưỡi so với Việt Nam (ảnh: Báo TN)

Thực tế không thể phủ nhận vị thế hàng đầu Đông Nam Á của thể thao Thái Lan, nếu nhìn vào thước đo từ hệ thống đào tạo bài bản, cơ sở vật chất chuyên nghiệp cho tới thành tích ở những sân chơi đẳng cấp như ASIAD, Olympic, các giải vô địch thế giới. Tuy vậy, rõ ràng sự cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực ngày càng tạo ra áp lực mạnh mẽ khi nền thể thao của Singapore, Indonesia, Philippines hay Việt Nam bứt phá.

Tại kỳ Olympic gần nhất ở Tokyo 2021, Philippines hay Indonesia đều có HCV và giành tổng cộng lần lượt 4 và 5 huy chương để xếp trên Thái Lan (1 vàng 1 đồng).

Điền kinh Việt Nam đã xếp trên Thái Lan ở 3 kỳ SEA Games gần nhất và ở môn bóng đá nam các đội trẻ Việt Nam cũng giành 2 tấm HCV ở 2 kỳ Đại hội gần nhất.

Trở lại sân chơi khu vực, SEA Games, không phủ nhận yếu tố "ao nhà" khi quốc gia đăng cai thường đưa vào chương trình thi đấu một số môn truyền thống bản sắc riêng, có lợi thế giành huy chương để gia tăng thành tích. Nhưng ngay cả ở những môn thể thao cơ bản Olympic như Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Thái Lan cũng đã bị Việt Nam, Singapore hay Philippines qua mặt.

Thế nên, có thể hiểu vì sao Thái Lan quyết tâm giành lại vị thế bá chủ ở SEA Games năm nay, nhất là khi chỉ 4 tháng sau Đại hội sẽ đến ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc) và màn chạy đà hoàn hảo ở sân chơi khu vực sẽ giúp thể thao Thái Lan hưng phấn tự tin bước vào sân chơi châu lục.

Nếu hoàn thành chỉ tiêu 164 HCV, Thái Lan sẽ lập kỷ lục giành HCV nhiều thứ 2 trong lịch sử tham dự SEA Games.
 
Trước đó, tại SEA Games 2017, với cương vị chủ nhà Thái Lan đã giành tới 183 HCV. Còn tại SEA Games 1995 ở Chiang Mai họ giành 157 HCV.
 
Thần đồng Điền kinh Thái Lan, Puripol Boonson (áo xanh) đang thống trị đường chạy tốc độ SEA Games dù mới 18 tuổi

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm