Sau 3 ngày thi đấu, ít nhất đã có 3 nội dung mà các VĐV Việt Nam từng giành HCV ở kỳ SEA Games trước mất vào tay đội Thái Lan. Nhân tố nào đã giúp tổ chạy trung bình của điền kinh Thái Lan tạo ra sự khác biệt đó?
Giấu kín nhân sự
Điền kinh Thái Lan thể hiện rõ sự quyết tâm lấy lại ngôi nhất toàn đoàn từ Việt Nam sau 2 kỳ SEA Games chỉ về nhì. Ngay từ khi đăng ký VĐV, Thái Lan cũng không có gì bất thường về nhân sự, mãi cho đến khi danh sách phải chốt trước Đại hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết sơ sơ ở thời điểm tổ chức giải Tiền SEA Games 31 cuối tháng 4 rằng: “Năm nay, Thái Lan có đăng ký một VĐV tên ngoại ở các nội dung chạy 400m và 800m”.
Khi đến Việt Nam, VĐV này cũng không hề ra mặt. Nguyễn Thị Hằng, thành viên tổ chạy 400m, người từng giành HCV chạy 4x400m hỗn hợp nam nữ SEA Games 30, cho biết: “Thái Lan giấu kín về đội hình chạy tiếp sức 4x400m nam nữ. Nam VĐV nhập tịch nghe nói đến từ Úc nhưng cũng không hề xuất hiện trong các buổi tập trên sân đấu. Chúng tôi không hề biết cậu ấy như thế nào”.
Lộ diện nhân tài
Trong ngày thi đấu đầu tiên 14/5/2022, một trong những nội dung đáng chú ý là chạy tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4x400m. Đây là nội dung mà đội Việt Nam đang giữ HCV và kỷ lục SEA Games (3:19.50) khi lần đầu tiên 4x400m nam nữ được đưa vào thi đấu ở SEA Games 30 tại Philippines cuối năm 2019.
Đội hình thi đấu của 4x400m hỗn hợp nam nữ Việt Nam năm nay có sự thay đổi khi Nguyễn Thị Huyền thay Nguyễn Thị Hằng, còn Quách Thị Lan, Trần Đình Sơn và Trần Nhật Hoàng vẫn góp mặt. Thứ tự chạy của SEA Games 31 cũng được thay đổi: nam-nữ-nam-nữ theo quy định mới (SEA Games 30, Việt Nam áp dụng chiến thuật nữ-nam-nữ-nam).
Lúc này, đội hình chạy của Thái Lan mới lộ diện, toàn bộ là nhân sự mới so với lần giành HCB SEA Games 30 gần 3 năm trước. Siripol Punpa (nam) và Supanich Poolkerd (nữ) đều là hai VĐV có khả năng chạy tốt 400m lẫn 100m. Cả hai VĐV này sau đó đều góp mặt trong đội hình chạy 4x100m nam và nữ giành HCV SEA Games 31.
Trong khi đó, Benny Nontanam là một nhân tố đầy tiềm năng ở cự ly 400m (cô gái này giành HCB 400m nữ, chỉ về sau Nguyễn Thị Huyền và đánh bại Quách Thị Lan, người giành HCĐ). Cô gái này đã có cú nước rút ấn tượng để vượt qua Quách Thị Lan ở những mét cuối, giúp Thái Lan lật đổ Việt Nam ở nội dung 4x400m nam nữ.
Tuy nhiên, nhân vật chính là Joshua Atkinson, chàng trai chạy thứ ba trong đội hình 4x400m nam nữ, góp công lớn trong việc bám đuổi sát Trần Đình Sơn để sau đó đồng đội chạy lượt cuối sòng phẳng với Lan.
Sau đó, Joshua còn giành thêm HCV 400m khi thắng Lê Ngọc Phúc (2002, thành tích 47.27) của Việt Nam trong ngày 15/5. Thông số 46.44 đã hạ gục tất cả các đối thủ, trong đó có cả đương kim vô địch Trần Nhật Hoàng (hạng 5, 47.65).
Cú chốt là màn chiến thắng ấn tượng trên đường chạy 800m tối 16/5/2022 với thông số 1:55.75, đánh bại HCB Jirayu Pleenaram (Thái Lan, 1:55.770) và cả ứng cử viên sáng giá Trần Văn Đảng, người giành HCĐ (1:56.500).
Joshua Atkinson là ai?
Ngay cả các phóng viên Thái Lan đang tác nghiệp tại SEA Games 31 ở Hà Nội cũng không biết gì nhiều về chàng trai này. Và chỉ đến khi tỏa sáng với 3 tấm HCV năm nay, cái tên Joshua Atkinson mới bắt đầu được chú ý.
Trò chuyện với webthethao.vn, Joshua cho biết: “Mẹ tôi là người Thái, bố là người Anh. Từ năm 2007 đến 2011, tôi sống tại Nhật Bản. Sau khi bố mẹ phát hiện tôi có khả năng ở môn điền kinh thì tôi được chuyển đến Australia học tập.
Tôi mới đến Thái Lan để tập chuẩn bị cho SEA Games 31 được 6 tuần. Tôi chưa biết gì về các đối thủ cả vì đây mới là lần đầu tiên tôi thi đấu ở một giải lớn và lần đầu đại diện cho Thái Lan”.
Tài năng điền kinh này tên đầy đủ là Joshua Robert Atkinson, sinh ngày 25/5/2003, tức đúng một tuần nữa mới tròn 19 tuổi. Joshua đã có màn trình làng ấn tượng, y hệt Trần Nhật Hoàng ở SEA Games 30. Lúc đó, Hoàng (31/5/2000) cũng mới 19 tuổi và đã giành ngay 2 HCV 400m nam và 4x400m hỗn hợp nam nữ.